Tròn 60 năm nền Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2013) đã đi qua cùng với nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc. Song không thể phủ nhận rằng, chính thời kỳ non trẻ và gian khổ nhất lại là giai đoạn “bùng nổ” và rực rỡ nhất của ảnh báo chí Việt Nam.
Bởi một lẽ, cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của cả thế giới và chính sự kiện này đã “chắp cánh” cho biết bao tác phẩm ảnh báo chí đến gần hơn với mối đồng cảm, ủng hộ của bạn bè năm châu và cả những giải thưởng lớn từ các cuộc thi ảnh quốc tế.
Còn trong giai đoạn này, ảnh báo chí dường như đang nhường những vị trí rực rỡ nhất cho các thể loại khác. Một trong những lý do được các chuyên gia "mổ xẻ" là vì ảnh báo chí của Việt Nam hiện nay quá hiền, thiếu gai góc, không có tính chiến đấu.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi cởi mở với Chủ tịch Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh quanh câu chuyện về ảnh báo chí thời nay.
Một dĩ vãng “bùng nổ”
- Ông có thể nói gì về chặng đường 60 năm phát triển của nền nhiếp ảnh Việt Nam?
Ông Vũ Quốc Khánh: Cách đây tròn 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam.” Đó chính là thời điểm nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam ra đời phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên, từ trước đấy nhiếp ảnh đã thực sự “bùng nổ” từ sau thời điểm 2/9/1945. Và nhiếp ảnh đã đi theo hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, góp phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ đất nước thông qua các hình ảnh ở chiến trường, ở địa phương, ở hậu phương... đồng thời giới thiệu cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc ta ra nước ngoài để nhận sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân thế giới.
Cũng nhờ những hình ảnh đó mà nhiếp ảnh Việt Nam thời kỳ này phát triển rất rực rỡ. Bằng chứng là rất nhiều tác phẩm ảnh được giải trong nước và đặc biệt là giải quốc tế.
Sau giải phóng, nhiếp ảnh cũng bắt đầu đồng hành cùng đất nước trong công cuộc xây dựng quê hương và có những thay đổi, đó là tiến tới cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế... Thời gian này, nhiếp ảnh Việt Nam phát triển nhanh và mạnh mẽ nhờ được hỗ trợ nhiều bởi công nghệ số.
Bắt đầu từ 1986 trở đi phong trào nhiếp ảnh lan rộng trên toàn quốc. Lực lượng nhiếp ảnh của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam phát triển mạnh từ 71 hội viên của giai đoạn đầu tới giờ có 902 hội viên phủ kín 61/63 tỉnh thành. Hội của chúng tôi cũng tham gia Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới-FIAP với 90 quốc gia thành viên.
Cũng từ đây, nhiếp ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế nhiều hơn, mỗi năm có hàng trăm tác phẩm ảnh nghệ thuật được giải quốc tế.
- Vì sao Việt Nam được nhiều giải ảnh nghệ thuật vậy, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Khánh: Mỗi cuộc thi quốc tế là một ban giám khảo khác nhau và thường họ rất thích ảnh của Việt Nam vì sự khác biệt nên dễ được giải. Nghệ thuật là sáng tạo nên khi chúng ta gửi ảnh ra nước ngoài thì ban giám khảo thường cảm thấy rất mới, lạ. Có thể khẳng định chất lượng, bố cục, ánh sáng, tạo hình của nhiếp ảnh Việt Nam không tồi, thậm chí là đẹp.
Càng “nóng” càng dễ đoạt giải
- Thế còn ảnh báo chí thì sao, thưa ông? Tôi thấy ảnh báo chí của ta dường như rất “kém duyên” với các giải thưởng quốc tế. Thời chiến, khi nhiếp ảnh còn non trẻ chúng ta được rất nhiều giải quốc tế, trong khi đó, sau mấy chục năm phát triển, lại được công nghệ số hỗ trợ đắc lực mà mãi đến đầu năm 2013 này chúng ta mới có được một giải Nhất thể loại “Vấn đề đương đại” cho bộ ảnh “The Pink Choice” của Maika Elan (tên thật Nguyễn Thanh Hải) do tập đoàn báo chí thế giới World Press Photo Foundation tổ chức. Theo ông là vì sao?
Ông Vũ Quốc Khánh: Tôi cho rằng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bản thân sự kiện chiến tranh ác liệt ở Việt Nam được cả thế giới đồng cảm, theo dõi. Chiến thắng của chính nghĩa Việt Nam đã tác động nhiều tới các cuộc thi ảnh báo chí. Và những tác phẩm về sự kiện gây chấn động toàn cầu này là tâm điểm của giới thông tin mà trong đó được các cuộc thi ảnh quốc tế ủng hộ. Cho nên ảnh báo chí thời đó của ta được nhiều giải là đúng.
Nhưng giờ đây khi Việt Nam đã hòa bình, nếu ảnh của ta chỉ phản ánh được công cuộc xây dựng đất nước bình thường, đẹp theo kiểu nhà cao cửa rộng... thì không bao giờ được giải. Vì quốc tế họ quan tâm đến những thân phận, số phận con người khổ đau, những đề tài mang tính nhân văn nhiều hơn và đặc biệt là những vấn đề nóng của thời đại. Do đó, sự kiện càng “nóng” càng dễ đoạt giải.
Chùm ảnh mà Maika được giải cũng là vấn đề mà châu Âu rất quan tâm và hiện nay họ cũng đang đấu tranh cho vấn đề đó. Dù không phải là dân báo chí, phóng viên ảnh hay nghệ sỹ nhiếp ảnh nhưng thành công mà Maika có được là điều rất đáng trân trọng!
- Là dân “ngoại đạo” nhưng Maika lại thành công với ảnh báo chí, bởi cô gái này có cách nhìn vấn đề mới mẻ và rất kỳ công tìm tòi, theo đuổi đề tài, nhân vật... Trong khi đó thực tế có rất nhiều phóng viên ảnh “xịn” không có được tố chất này. Vậy ông đánh giá thế nào về ảnh báo chí cũng như năng lực của các nhà nhiếp ảnh báo chí Việt Nam hiện nay ở các cơ quan báo chí?
Ông Vũ Quốc Khánh: Tôi cũng hay đi chấm các cuộc thi ảnh quốc tế trong đó có các giải quốc gia, tôi cho rằng ảnh báo chí của Việt Nam lành quá. Vừa hiền vừa lành, không gai góc, sức chiến đấu ít.
Có thể có nhiều lý do, nhưng một lý do quan trọng đó là việc định hướng của tòa soạn, của các tổng biên tập.
Nếu những người lãnh đạo của tòa báo không đưa ra được định hướng, không chọn được những tác phẩm có nội dung thực sự cần cho báo chí, phản ánh cuộc sống xã hội mà chỉ chọn những tác phẩm đèm đẹp, chung chung thì anh em báo chí sẽ không bao giờ làm tốt được. Ngoài ra, trong một sự kiện bản thân phóng viên cũng có hạn chế là chưa tác nghiệp thật tốt, chưa phản ánh được hết tinh thần sự kiện, nhân vật.
- Tôi thấy có một thực tế là báo chí hiện nay rất ưu ái cho các tác phẩm ảnh, thậm chí có những ảnh chỉ dùng để “trang trí” cho mặt báo thêm bắt mắt chứ chẳng có nội dung thông tin gì. Theo ông, các tòa soạn nên tăng giá trị cho các bức ảnh trên trang báo của mình bằng những đề tài thế nào để ảnh không chỉ là thứ “minh họa”?
Ông Vũ Quốc Khánh: Tôi cho rằng hiện nay trên báo đã dành nhiều đất hơn cho ảnh, nhưng đúng là nhiều bức ảnh chỉ mang tính minh họa, mà trong báo chí thì sự minh họa chẳng nói lên được điều gì cả. Ảnh báo chí bản thân nó là một thể loại, nên anh phải có những bức ảnh tin thì phải nói được vấn đề, thậm chí không cần bài viết, như thế ảnh báo chí mới thực sự có tính chiến đấu cao.
Cuộc sống thì luôn ăm ắp đề tài, chỉ có điều phóng viên ảnh đã theo sát sự kiện chưa, nắm bắt được sự kiện nóng để tác nghiệp hay chưa. Ở Việt Nam, những bức ảnh phản ánh về vấn đề môi trường, vấn đề về thân phận con người... theo tôi có thể khai thác tốt.
Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bởi một lẽ, cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của cả thế giới và chính sự kiện này đã “chắp cánh” cho biết bao tác phẩm ảnh báo chí đến gần hơn với mối đồng cảm, ủng hộ của bạn bè năm châu và cả những giải thưởng lớn từ các cuộc thi ảnh quốc tế.
Còn trong giai đoạn này, ảnh báo chí dường như đang nhường những vị trí rực rỡ nhất cho các thể loại khác. Một trong những lý do được các chuyên gia "mổ xẻ" là vì ảnh báo chí của Việt Nam hiện nay quá hiền, thiếu gai góc, không có tính chiến đấu.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi cởi mở với Chủ tịch Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh quanh câu chuyện về ảnh báo chí thời nay.
Một dĩ vãng “bùng nổ”
- Ông có thể nói gì về chặng đường 60 năm phát triển của nền nhiếp ảnh Việt Nam?
Ông Vũ Quốc Khánh: Cách đây tròn 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam.” Đó chính là thời điểm nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam ra đời phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên, từ trước đấy nhiếp ảnh đã thực sự “bùng nổ” từ sau thời điểm 2/9/1945. Và nhiếp ảnh đã đi theo hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, góp phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ đất nước thông qua các hình ảnh ở chiến trường, ở địa phương, ở hậu phương... đồng thời giới thiệu cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc ta ra nước ngoài để nhận sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân thế giới.
Cũng nhờ những hình ảnh đó mà nhiếp ảnh Việt Nam thời kỳ này phát triển rất rực rỡ. Bằng chứng là rất nhiều tác phẩm ảnh được giải trong nước và đặc biệt là giải quốc tế.
Sau giải phóng, nhiếp ảnh cũng bắt đầu đồng hành cùng đất nước trong công cuộc xây dựng quê hương và có những thay đổi, đó là tiến tới cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế... Thời gian này, nhiếp ảnh Việt Nam phát triển nhanh và mạnh mẽ nhờ được hỗ trợ nhiều bởi công nghệ số.
Bắt đầu từ 1986 trở đi phong trào nhiếp ảnh lan rộng trên toàn quốc. Lực lượng nhiếp ảnh của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam phát triển mạnh từ 71 hội viên của giai đoạn đầu tới giờ có 902 hội viên phủ kín 61/63 tỉnh thành. Hội của chúng tôi cũng tham gia Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới-FIAP với 90 quốc gia thành viên.
Cũng từ đây, nhiếp ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế nhiều hơn, mỗi năm có hàng trăm tác phẩm ảnh nghệ thuật được giải quốc tế.
- Vì sao Việt Nam được nhiều giải ảnh nghệ thuật vậy, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Khánh: Mỗi cuộc thi quốc tế là một ban giám khảo khác nhau và thường họ rất thích ảnh của Việt Nam vì sự khác biệt nên dễ được giải. Nghệ thuật là sáng tạo nên khi chúng ta gửi ảnh ra nước ngoài thì ban giám khảo thường cảm thấy rất mới, lạ. Có thể khẳng định chất lượng, bố cục, ánh sáng, tạo hình của nhiếp ảnh Việt Nam không tồi, thậm chí là đẹp.
Càng “nóng” càng dễ đoạt giải
- Thế còn ảnh báo chí thì sao, thưa ông? Tôi thấy ảnh báo chí của ta dường như rất “kém duyên” với các giải thưởng quốc tế. Thời chiến, khi nhiếp ảnh còn non trẻ chúng ta được rất nhiều giải quốc tế, trong khi đó, sau mấy chục năm phát triển, lại được công nghệ số hỗ trợ đắc lực mà mãi đến đầu năm 2013 này chúng ta mới có được một giải Nhất thể loại “Vấn đề đương đại” cho bộ ảnh “The Pink Choice” của Maika Elan (tên thật Nguyễn Thanh Hải) do tập đoàn báo chí thế giới World Press Photo Foundation tổ chức. Theo ông là vì sao?
Ông Vũ Quốc Khánh: Tôi cho rằng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bản thân sự kiện chiến tranh ác liệt ở Việt Nam được cả thế giới đồng cảm, theo dõi. Chiến thắng của chính nghĩa Việt Nam đã tác động nhiều tới các cuộc thi ảnh báo chí. Và những tác phẩm về sự kiện gây chấn động toàn cầu này là tâm điểm của giới thông tin mà trong đó được các cuộc thi ảnh quốc tế ủng hộ. Cho nên ảnh báo chí thời đó của ta được nhiều giải là đúng.
Nhưng giờ đây khi Việt Nam đã hòa bình, nếu ảnh của ta chỉ phản ánh được công cuộc xây dựng đất nước bình thường, đẹp theo kiểu nhà cao cửa rộng... thì không bao giờ được giải. Vì quốc tế họ quan tâm đến những thân phận, số phận con người khổ đau, những đề tài mang tính nhân văn nhiều hơn và đặc biệt là những vấn đề nóng của thời đại. Do đó, sự kiện càng “nóng” càng dễ đoạt giải.
Chùm ảnh mà Maika được giải cũng là vấn đề mà châu Âu rất quan tâm và hiện nay họ cũng đang đấu tranh cho vấn đề đó. Dù không phải là dân báo chí, phóng viên ảnh hay nghệ sỹ nhiếp ảnh nhưng thành công mà Maika có được là điều rất đáng trân trọng!
- Là dân “ngoại đạo” nhưng Maika lại thành công với ảnh báo chí, bởi cô gái này có cách nhìn vấn đề mới mẻ và rất kỳ công tìm tòi, theo đuổi đề tài, nhân vật... Trong khi đó thực tế có rất nhiều phóng viên ảnh “xịn” không có được tố chất này. Vậy ông đánh giá thế nào về ảnh báo chí cũng như năng lực của các nhà nhiếp ảnh báo chí Việt Nam hiện nay ở các cơ quan báo chí?
Ông Vũ Quốc Khánh: Tôi cũng hay đi chấm các cuộc thi ảnh quốc tế trong đó có các giải quốc gia, tôi cho rằng ảnh báo chí của Việt Nam lành quá. Vừa hiền vừa lành, không gai góc, sức chiến đấu ít.
Có thể có nhiều lý do, nhưng một lý do quan trọng đó là việc định hướng của tòa soạn, của các tổng biên tập.
Nếu những người lãnh đạo của tòa báo không đưa ra được định hướng, không chọn được những tác phẩm có nội dung thực sự cần cho báo chí, phản ánh cuộc sống xã hội mà chỉ chọn những tác phẩm đèm đẹp, chung chung thì anh em báo chí sẽ không bao giờ làm tốt được. Ngoài ra, trong một sự kiện bản thân phóng viên cũng có hạn chế là chưa tác nghiệp thật tốt, chưa phản ánh được hết tinh thần sự kiện, nhân vật.
- Tôi thấy có một thực tế là báo chí hiện nay rất ưu ái cho các tác phẩm ảnh, thậm chí có những ảnh chỉ dùng để “trang trí” cho mặt báo thêm bắt mắt chứ chẳng có nội dung thông tin gì. Theo ông, các tòa soạn nên tăng giá trị cho các bức ảnh trên trang báo của mình bằng những đề tài thế nào để ảnh không chỉ là thứ “minh họa”?
Ông Vũ Quốc Khánh: Tôi cho rằng hiện nay trên báo đã dành nhiều đất hơn cho ảnh, nhưng đúng là nhiều bức ảnh chỉ mang tính minh họa, mà trong báo chí thì sự minh họa chẳng nói lên được điều gì cả. Ảnh báo chí bản thân nó là một thể loại, nên anh phải có những bức ảnh tin thì phải nói được vấn đề, thậm chí không cần bài viết, như thế ảnh báo chí mới thực sự có tính chiến đấu cao.
Cuộc sống thì luôn ăm ắp đề tài, chỉ có điều phóng viên ảnh đã theo sát sự kiện chưa, nắm bắt được sự kiện nóng để tác nghiệp hay chưa. Ở Việt Nam, những bức ảnh phản ánh về vấn đề môi trường, vấn đề về thân phận con người... theo tôi có thể khai thác tốt.
Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
ChiLê (Vietnam+)