Anh kêu gọi Eurozone hội nhập lớn hơn về tài chính

Bộ trưởng Tài chính Anh kêu gọi các nước Eurozone hội nhập lớn hơn về tài chính để khôi phục lòng tin vào nền kinh tế của khối.
Trong truyên bố chung sau cuộc họp với những người đồng cấp từ Australia, Canada, Nam Phi và Singapore, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã kêu gọi các nước Eurozone hội nhập lớn hơn về tài chính để khôi phục lòng tin vào nền kinh tế của khối.

Theo ông Osborne, các nước Eurozone cần thực hiện cam kết hội nhập tài chính mạnh mẽ hơn và quản lý tốt hơn để tránh sự hoang mang và củng cố trách nhiệm về tài chính.

Bộ trưởng Osborne còn cảnh báo sự đổ vỡ của đồng euro sẽ gây ra thảm họa về kinh tế, không loại trừ Anh, nước hiện vẫn đứng ngoài Eurozone.

Lời kêu gọi được đưa ra sau hai tuần biến động mạnh chưa từng có trên các thị trường chứng khoán thế giới do các quan ngại cuộc khủng hoảng nợ ở các nước ngoại vi Eurozone lan sang các nước chủ chốt. Theo thống kê, hàng nghìn tỷ USD đã bị "cuốn" khỏi các thị trường chứng khoán trong hai tuần đầu tháng Tám do những quan ngại kinh tế toàn cầu đi xuống, khủng hoảng nợ công tại Eurozone và Mỹ rớt hạng tín dụng từ AAA xuống AA+ đã thôi thúc giới đầu tư bán tháo chứng khoán.

Trong bối cảnh Italy và Tây Ban Nha sắp lâm nguy, Bộ trưởng Osborne đã hối thúc Eurozone phát hành chung trái phiếu Eurobond để giảm bớt rủi ro đối với các nhà đầu tư do chính phủ các nước thành viên cùng gánh trách nhiệm thanh toán. Giải pháp trái phiếu Eurobond hay các hình thức bảo lãnh khác đòi hỏi có sự cân nhắc thận trọng và các nước Eurozone phải quản lý nền kinh tế hiệu quả hơn để đảm bảo không "trút" gánh nặng tài chính sang các nước khác.

Theo các bộ trưởng tài chính nói trên, thế giới đang mất lòng tin vào các nỗ lực của chính phủ các nước nhằm giải quyết các vấn đề như tăng trưởng yếu, thất nghiệp cao và tài chính không bền vững. Họ cảnh báo không có cam kết nghiêm túc trong trung hạn để giải quyết những khó khăn trong ngắn hạn sẽ càng làm giảm lòng tin. Đưa nền tài chính công trở lại con đường bền vững là vấn đề trọng tâm. Những quyết định khó khăn về chi tiêu, thuế ở các nước có thâm hụt lớn là không thể tránh khỏi. Và Mỹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc khôi phục lòng tin.

Cuối tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cho rằng các nhà đầu tư đã đánh mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo của một số nền kinh tế chủ chốt thế giới và hậu quả là các thị trường toàn cầu bị đẩy vào "một vùng nguy hiểm mới."

Ông nhấn mạnh Zoellick: "Những gì mà chúng ta chứng kiến chính là lòng tin chỉ là một nhân tố mong manh phản ánh nền kinh tế thị trường hoạt động như thế nào"./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục