Anh nghiên cứu sử dụng vitamin A để cải thiện chứng suy giảm khứu giác

Trong thử nghiệm, tất cả người tham gia sẽ được yêu cầu ngửi những mùi đặc trưng như mùi hoa hồng, mùi trứng thối và trong thời gian đó, các hình ảnh não bộ của những người này đều được chụp lại.
Anh nghiên cứu sử dụng vitamin A để cải thiện chứng suy giảm khứu giác ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters.)

Ngày 28/9, các chuyên gia Anh thông báo đang nghiên cứu khả năng sử dụng vitamin A dạng nhỏ mũi để cải thiện tình trạng mất hoàn toàn hay một phần khứu giác ở bệnh nhân COVID-19. Đây là một triệu chứng phổ biến của những người mắc bệnh COVID-19 hoặc những bệnh lây nhiễm do virus khác và có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng sau khi khỏi bệnh.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Đông Anglia (UEA) thực hiện thử nghiệm kéo dài 12 tuần, với sự tham gia của các tình nguyện viên là những bệnh nhân COVID-19. Các tình nguyện viên được chia làm 2 nhóm sử dụng vitamin A dạng nhỏ mũi hoặc giả dược để so sánh kết quả.

Theo UEA, nghiên cứu trước đó tại Đức đã chỉ ra vitamin A có "lợi ích tiềm năng" trong điều trị tình trạng mất khứu giác. Vì vậy, UEA thiết kế thử nghiệm mới này để đánh giá khả năng phương pháp nhỏ vitamin A giúp chữa lành những mô bên trong mũi bị tổn thương do virus.

Trong thử nghiệm, tất cả người tham gia sẽ được yêu cầu ngửi những mùi đặc trưng như mùi hoa hồng, mùi trứng thối và trong thời gian đó, các hình ảnh não bộ của những người này đều được chụp lại. Giáo sư Carl Philpott, từ UEA, giải thích các ảnh chụp sẽ cho phép xác định xem những dây thần kinh liên quan khứu giác đã được chữa lành hay chưa và xác định hoạt động của não bộ liên quan đến chức năng nhận biết các mùi khác nhau.

[Nghiên cứu: COVID-19 có thể để lại di chứng ở não người bệnh]

Giáo sư Philpott cho biết khoảng 1/10 bệnh nhân COVID-19 bị mất khứu giác không thể hồi phục sau 4 tuần nhiễm virus và thách thức chủ yếu hiện nay với các bệnh nhân và bác sĩ là thiếu các phương pháp điều trị hiệu quả tình trạng này. Trong khi đó, nghiên cứu ở Đức đã phát hiện ra những người điều trị bằng vitamin A có tốc độ cải thiện khứu giác nhanh gấp đôi những người không sử dụng vitamin này.

Tình trạng mất khứu giác vốn đã là một vấn đề nghiêm trọng trước khi đại dịch xảy ra, ảnh hưởng tới khoảng 5% dân số, nhưng dịch bùng phát càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng, nhu cầu tìm ra những phương pháp hiệu quả lại càng cấp thiết hơn.

Giáo sư Philpott cho rằng mất khứu giác vấn đề lớn, gián tiếp dẫn đến những vấn khác như trầm cảm, lo âu, thay đổi vị giác và cảm giác bị cô lập. Không những thế, những người mất khứu giác có thể gặp nguy hiểm trong những trường hợp đặc thù, như tai nạn rò khí gas hay ăn phải thức ăn hỏng.

Mất khứu giác là một trong những triệu chứng điển hình của COVID-19, cùng với các triệu chứng khác như mất vị giác, sốt và ho dai dẳng. Không ít bệnh nhân COVID-19 bị mất khứu giác và dù số lượng những người rơi vào tình trạng này chưa được xác định chính xác nhưng có một số nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 mất khứu giác lên tới 2/3. Một số bệnh nhân còn bị rối loạn khứu giác, nhầm lẫn mùi vị.

Trong khi hầu hết các bệnh nhân COVID-19 đều sẽ lấy lại khứu giác sau khi hồi phục thì có những người vẫn phải vật lộn với tình trạng này trong nhiều tuần, nhiều tháng và thậm chí là cả năm sau khi hồi phục. Do đó, tình trạng này cũng được đưa vào các triệu chứng mắc COVID-19 kéo dài. 

Dù mất khứu giác được cho là nhẹ nhàng hơn nhiều so với những triệu chứng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tính mạng nhưng tình trạng này có thể để lại hậu quả lâu dài với cuộc sống và có thể tác động tới cả những giác quan khác, đặc biệt là vị giác.

Hiện vẫn có rất ít biện pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng này trong đó hợp chất steroid cũng được sử dụng nhưng lại gây những tác dụng phụ và cũng không có nhiều bằng chứng hợp chất thực sự có hiệu quả. Nhiều bác sĩ trên thế giới khuyến khích các cách tập luyện để khôi phục khứu giác, như thường xuyên ngửi những mùi mạnh như mùi cà phê, mùi tỏi để kích thích hoạt động của não bộ liên quan khả năng nhận biết những mùi khác nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục