Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng nhãn xuất khẩu

Để thương hiệu nhãn Châu Thành vươn xa đến các thị trường trong nước và xuất khẩu, huyện chọn cây nhãn Edor làm thế mạnh sản xuất và trồng với diện tích gần 1.000 a.
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng nhãn xuất khẩu ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)

Để phát huy lợi thế ngành hàng chủ lực tại địa phương, tỉnh Đồng Tháp tổ chức phát triển cây nhãn theo hướng chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành, năm 2023 diện tích canh tác nhãn đạt hơn 2.670 ha, Trồng nhiều nhất là các loại nhãn Edor, nhãn da bò và nhãn xuồng cơm vàng; năng suất bình quân 15 tấn/ha; sản lượng hơn 40 ngàn tấn/năm. Trong đó, tập trung phát triển vùng nhãn ở các xã An Nhơn, An Phú Thuận, An Khánh và Phú Hựu.

Diện tích có liên kết sản xuất tiêu thụ chiếm 20%; diện tích nhãn được cấp mã số vùng trồng hoặc chứng nhận các tiêu chuẩn tiên tiến gắn truy xuất nguồn gốc hơn 500 ha. Diện tích chuyển đổi sản xuất nhãn hướng hữu cơ năm 2023 đạt 2%.

"Nhãn Châu Thành" được Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu năm 2016 cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ sở hữu. Nhãn Châu Thành đã xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là thị trường Mỹ.

Những năm gần đây, các nhà vườn đã từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất như khâu bao trái, chọn giống, tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ, bón phân hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn GAP, VietGAP và GlobalGAP cho hàng trăm ha, nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, góp phần nâng cao chất lượng, phát triển nhãn hiệu "Nhãn Châu Thành."

[Quả nhãn tươi Việt Nam vào Nhật Bản: Mừng nhưng không chủ quan]

Để thương hiệu nhãn Châu Thành vươn xa đến các thị trường trong nước và xuất khẩu, huyện chọn cây nhãn Edor làm thế mạnh sản xuất và trồng với diện tích gần 1.000ha.

Theo đánh giá thực tế của nhà vườn tại huyện Châu Thành, việc trồng nhãn Edor cho trái có dạng hình cầu, cuốn trái lỏm ; có ưu điểm trái to, trọng lượng trái trung bình 15gram; cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt dịu, thơm ngon, vận chuyển xa ít hư hỏng. Đặc biệt, có ưu điểm cây nhãn Edor không bị bệnh chổi rồng. Nhãn Edor cho năng suất từ 17-30 tấn trái/ha, có thể xử lý kéo dài thời gian thu hoạch của cây mà không ảnh hưởng đến chất lượng trái.

Ông Trương Văn Rồi, Hợp tác xã Nhãn Châu Thành cho biết, nếu nhãn Edor bán với giá từ 35-40 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi hơn 400 triệu đồng/ha.

Ông Huỳnh Hữu Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết, người trồng nhãn trước đây đa số chỉ bón phân vô cơ, nên năng suất và chất lượng không cao, chỉ đạt 15-20 tấn/ha, giá thu mua lại thấp.

Từ khi chuyển qua trồng theo hướng hữu cơ, năng suất nhãn tăng đến 30 tấn/ha, diện tích trồng nhãn hữu cơ, nông dân lãi hơn 600 triệu đồng/ha. Hiện nay chủ trương của hợp tác xã là hướng nông dân chuyển dần sang hướng hữu cơ nhằm giảm chi phí đầu tư tăng năng suất giúp bà con nâng cao thu nhập.vì chất lượng vượt trội, được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Để có trái nhãn chất lượng cao xuất khẩu, cũng như tiêu thụ nội địa, ông Phan Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành cho biết, chính quyền địa phương làm cầu nối giữa hợp tác xã, hội quán với người dân trồng nhãn trong việc hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), chuyển đổi sang trồng nhãn hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành đề ra các giải pháp xây dựng môi trường cho vùng trồng nhãn, trước mắt tập huấn áp dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật vào quy trình trồng nhãn từ khâu cải tạo đất trồng, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, xử lý ra hoa, cắt tỉa trái nhỏ không đồng đều trên chùm nhãn, quản lý dịch bệnh, tạo màu sắc, kích thước trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho nông dân trồng nhãn, nhằm cung ứng trái nhãn an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục