Áp lực dự phòng rủi ro cao ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng

Ảnh hưởng của COVID-19 chưa được phản ánh đầy đủ vào kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm nay, đặc biệt với các nhà băng chưa chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tiềm ẩn.
Áp lực dự phòng rủi ro cao ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Năm 2020 là một năm đầy biến động. Trước tác động của đại dịch COVID-19, hoạt động cho vay của các ngân hàng gặp khó khăn khi nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là các doanh nghiệp giảm. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng tỏ ra rất thận trọng trong việc đặt kế hoạch năm.

Thậm chí, hai nhà băng lớn là Vietcombank và VietinBank còn để trống mục kế hoạch lợi nhuận chi tiết này và gam màu sáng không còn là bức tranh chung của toàn ngành như những năm trước.

Lợi nhuận của nhiều ngân hàng giảm

Đến thời điểm này đã có khoảng 20 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 3. Bên cạnh một số ngân hàng có mức tăng trưởng hai con số thì cũng không ít ngân hàng giảm lãi.

Mặc dù đến thời điểm này Vietcombank vẫn đứng đầu về lợi nhuận đạt gần 16.000 tỷ đồng nhưng so với cùng kỳ năm trước ngân hàng này lại giảm 17%. Lãi trước thuế của nhà băng này giảm hơn 20% trong ba tháng gần nhất, còn 4.983 tỷ đồng. Mức giảm gia tăng đáng kể so với ngưỡng chỉ 3% ở kết quả bán niên. Ngoại trừ kinh doanh ngoại hối, vốn là thế mạnh của Vietcombank, các bộ phận kinh doanh khác chỉ đi ngang hoặc giảm. Trong khi đó, dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng hơn 25% trong 9 tháng.

[Sẽ có giải pháp giải quyết dứt điểm vướng mắc trong xử lý nợ xấu]

Tương tự như Vietcombank, báo cáo quý 3 của Sacombank ghi nhận lợi nhuận gần 900 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận ngân hàng này đạt 2.328 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, thu nhập lãi thuần 9 tháng tăng gần 15%, thu từ dịch vụ tăng 25% hay kinh doanh ngoại hối tăng 32%. Tuy nhiên, chi phí trích lập dự phòng tăng quá cao, tới gần 70% đã ăn mòn lợi nhuận ngân hàng.

Lợi nhuận giảm mạnh nhất phải kể đến Kienlongbank khi nhà băng này vẫn chưa đạt được tới 50% kế hoạch. Kienlongbank từng gây chú ý khi bất chấp mùa dịch COVID-19, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 2020 tới 750 tỷ đồng, gấp gần 9 lần so với kết quả năm 2019.

Tuy nhiên sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank mới chỉ ở mức 144 tỷ đồng, giảm 38,7% so với cùng kỳ năm 2019 và chỉ đạt 19,3% kế hoạch năm. Trong khi đó nợ xấu có dấu hiệu tăng kéo theo chi phí dự phòng rủi ro của Kienlongbank tăng mạnh. Nhà băng này đã phải trích lập đến 83,2 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ, từ đó tác động tiêu cực lên lợi nhuận.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác lợi nhuận cũng bị giảm là VietBank giảm 13% chỉ còn 374 tỷ đồng (năm 2020 ngân hàng này dự kiến đạt 613 tỷ đồng lãi trước thuế). Cũng do chi phí dự phòng tăng nên lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của BacA Bank cũng giảm 19,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 522 tỷ đồng, nợ xấu tăng 19%...

Dù vậy, trong gam màu tối vẫn có gam sáng hiện ra với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ gồm SeaBank tăng 65,8%; VIB tăng 38,1%; VPBank tăng 30,5%; ACB tăng 15,3%; Techcombank tăng 20%; TPBank tăng 25,7%.

Áp lực dự phòng rủi ro cao ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng ảnh 2Lợi nhuận trước thuế của 10 ngân hàng thương mại cổ phần. (Đơn vị: Tỷ đồng)

Tăng cao nhất trong nhóm này MSB, ngân hàng đã vượt 15% kế hoạch lợi nhuận dù chỉ tiêu này được đặt tăng 12% so với năm 2019. Trong riêng quý 3, báo cáo tài chính của MSB cho thấy thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh. Cùng với đó, ngân hàng còn giảm trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khiến lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 691,9 tỷ đồng, tăng gần 40%. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.666 tỷ đồng, tăng 56,6%.

Các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn gồm MBBank tăng 6,8%; LienVietPostBank tăng 6,4%; ABBank tăng 6,4%.

Nợ xấu tăng cao

Về nợ xấu, tại Vietcombank, nợ xấu tăng 36% so với đầu năm, đạt gần 7.885 tỷ đồng. Quy mô nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng hơn bốn lần lên 2.923 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp ba lần. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,79% lên 1,01%.

Còn tại VPBank dù lợi nhuận tăng nhưng tổng nợ xấu đến cuối quý 3 là 10.147 tỷ đồng, tăng 15%. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 15%, nợ nhóm 5 tăng 36%. Nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 3,42% lên 3,65%.

Ngược lại, theo công bố báo cáo tài chính quý 3 của Saigonbank, đến cuối tháng 9, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này tăng 19% so với đầu năm, đạt 6.837 tỷ đồng, 80% là nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,9% lên 2,14% tổng dư nợ.

Xu hướng tăng nợ xấu còn thể hiện trên các ngân hàng khác như tại MBB, Kienlongbank, VietBank, BacA Bank...

Có ý kiến đưa ra dù ảnh hưởng COVID-19 nặng nề và kéo dài, lượng lớn khách hàng dư nợ phải hỗ trợ, nợ xấu tăng cao nhưng lợi nhuận nhiều ngân hàng cho thấy khả quan. Lý giải vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, lợi nhuận ngân hàng thương mại năm 2020 sẽ trở nên rất tương đối vì có một phần tạm ứng tương lai.

Bởi lẽ, với một món vay không thể đòi được nhưng ngân hàng vẫn có thể hạch toán vào sổ, vẫn ghi lãi dưới hình thức dự thu, tức tăng lợi nhuận trực tiếp. Hoặc giảm chi phí dự phòng rủi ro để ít bị khấu trừ lợi nhuận.

Trong kỳ này, khoản “lãi dự thu” không biến động nhiều, thậm chí gần nửa ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính lại cho thấy xu hướng giảm. Như vậy, các ngân hàng lãi lớn chủ yếu do chưa mạnh tay trích lập dự phòng.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận khả quan là nhờ cắt giảm chi phí và đa dạng hóa nguồn thu, không quá phụ thuộc vào nghiệp vụ tín dụng.

“Tuy nhiên, một khi con số nợ xấu bị lộ rõ, các khoản chi phí dự phòng tăng mạnh sẽ ăn mòn lợi nhuận ngân hàng trong các quý tới. Ngoài ra, lợi nhuận ngân hàng năm 2020 có thể không 'thực' nếu không dự phòng nợ xấu đúng mức. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cần thận trọng với 2 loại nợ là nợ được cơ cấu lại và những khoản nợ mới cho vay,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Báo cáo của FiinGroup cũng đánh giá ảnh hưởng của COVID-19 chưa được phản ánh đầy đủ vào kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm nay, đặc biệt với các nhà băng chưa chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tiềm ẩn.

Theo đơn vị này, tác động của COVID-19 đối với chất lượng tín dụng (đồng nghĩa là tác động đến lợi nhuận) của ngành ngân hàng tại Việt Nam sẽ có độ trễ nhất định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục