Trong phiên giao dịch chiều ngày 9/10, đồng đôla Mỹ (USD) tiếp tục chịu áp lực giảm giá.
Đáng chú ý là đồng ringgit của Malaysia đang hướng đến tuần tăng cao nhất so với đồng bạc xanh kể từ năm 1998.
Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố đã củng cố những đồn đoán về khả năng ngân hàng này sẽ không vội tăng lãi suất trong thời gian tới trước những diễn biến “bấp bênh” của nền kinh tế Trung Quốc.
Thông tin này đã khiến giới đầu tư lấy lại niềm tin đối với các nền kinh tế mới nổi trong tuần này, giúp phần lớn các đồng tiền của khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên giá so với đồng tiền Mỹ.
Cụ thể, đồng ringgit của Malaysia và đồng rupiah của Indonesia lần lượt tăng 2,64% và 3,68% so với đồng bạc xanh trong phiên 9/10. Như vậy, trong tuần này đồng rupiah đã tăng đến 9% so với đồng USD. Tương tự, các đồng nội tệ của Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Philippines cũng lên giá so với đồng bạc xanh.
Cũng trong phiên này, đồng bạc xanh lại lên giá so với đồng yen và được giao dịch ở mức 120,01 yen/USD so với mức 119,92 yen/USD trong phiên giao dịch 8/10 tại New York.
Trong khi đó, đồng tiền chung châu Âu (euro) tăng lên mức 1,1286 USD/euro và 135,44 yen/euro từ mức 1,1275 USD/euro và 135,26 yen/euro trong phiên giao dịch trước đó.
Chuyên gia kinh tế Hiroshi Kurihara thuộc ngân hàng Mitsubishi UFJ tại New York (Mỹ) nhận định sẽ khó cho Fed trong việc tăng lãi suất trừ khi các số liệu về lạm phát của Mỹ được cải thiện./.