Áp lực tỷ giá: Cá nhân gửi USD tại ngân hàng không được hưởng lãi suất

Từ ngày 18/12, cá nhân gửi USD vào ngân hàng hưởng lãi tại Việt Nam chính thức chấm dứt nhằm chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.
Áp lực tỷ giá: Cá nhân gửi USD tại ngân hàng không được hưởng lãi suất ảnh 1Cá nhân sẽ khó có cơ hội "găm giữ" ngoại tệ như trước kia. (Nguồn: TTXVN)

Trong một động thái bất ngờ, sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức tăng lãi suất USD thêm 0,25%, thì vào tối muộn ngày 17/12, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-NHNN ngày 17/ 3/2014.

Theo nội dung của Quyết định này, kể từ ngày 18/12, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm; mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0%/năm.

Trước đó, vào ngày 25/9, Ngân hàng Nhà nước đã đưa lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức về 0% nhưng vẫn để lãi suất đối với cá nhân là 0,25%.

Như vậy, việc gửi USD vào ngân hàng hưởng lãi tại Việt Nam chính thức chấm dứt. Đây là một quá trình kể từ năm 2011, khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp và hạ trần lãi suất tiền gửi USD từng bước cho đến nay. Trước đây, lãi suất huy động USD tại các ngân hàng Việt Nam từng ghi nhận những mức cao tới trên 6%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, quyết định trên là để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.

Cũng trong chiều ngày 17/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc Fed tăng lãi suất cơ bản đồng USD lên 0,25%, có tác động không đáng kể đối với thị trường trong nước bởi hai lý do: Thứ nhất, đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, tức là dòng vốn ngắn hạn thì chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng nguồn vốn vào ra của Việt Nam. Bởi vậy, tác động của Fed tăng lãi suất không nhiều đối với sự dịch chuyển của dòng vốn.

Thứ hai, việc Fed tăng lãi suất cũng đã được phản ánh trong kỳ vọng xu hướng tăng của đồng USD suốt từ đầu năm đến nay. "Với những đánh giá, nhận định như vậy thì thấy rằng, diễn biến tỷ giá trong những ngày gần đây chủ yếu do yếu tố tâm lý bởi tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức cũng như cá nhân tại các tổ chức tín dụng tăng lên," bà Hồng nhận định.

Việc Ngân hàng Nhà nước bất ngờ điều chỉnh lãi suất USD của các nhân về 0% cũng đã được các chuyên gia khuyến cáo trước đó. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyến Trí Hiếu đã từng chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước có thể kéo lãi suất xuống thấp thậm chí âm, điều này nhằm hạn chế người dân giữ USD trong tài khoản. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này cũng sẽ có những tác động mà chúng ta cũng chưa thể lường hết được.

Một số chuyên giá khác nhận định, đây là thông điệp mà Ngân hàng Nhà nước muốn phát đi về việc kìm hãm kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá của thị trường trước sức ép ngày càng lớn sau khi giá USD tại các ngân hàng tăng kịch trần biên độ cho phép liên tục trong tuần qua.

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, hiện nay lãi suất tiền đồng vẫn đang ở mức rất cao, với chênh lệch lên tới 5-7%. Vì vậy, lợi thế vẫn nghiêng hẳn về đồng Việt Nam. Việc nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi cho nhà đầu tư.

Ông Phước cho biết: "Theo dự đoán của chúng tôi, đồng USD sẽ dao động trong khoảng 3-5%, bởi mức tăng mà FED cam kết trong một năm chỉ là 1%, vốn không phải là mức đột biến."

Năm nay, tỷ giá của Việt Nam với đồng USD đã được điều chỉnh khoảng 5%. Tuy nhiên, đây là bước điều chỉnh hi hữu, bất khả kháng. Trong khi đó, hiện lạm phát của chúng ta rất thấp, hỗ trợ giá trị đồng tiền ổn định. Hơn nữa, tình trạng cán cân thương mại của Việt Nam đã cải thiện, dù có nhập siêu nhưng con số 4-5 tỷ USD là nhỏ, còn lượng kiều hối vẫn chuyển về nhiều, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vẫn tìm tới.

Vị chuyên gia này cho rằng, chúng ta đều biết tỷ giá được tính toán giao dịch ở mức nào có lợi nhất cho nền kinh tế. Điều này phụ thuộc vào 2 yếu tố, gồm chủ định của người làm chính sách (Ngân hàng Nhà nước) và phản hồi tác động ngược lại của thị trường cung-cầu. Xét cả 2 yếu tố đó thì Việt Nam sẽ không để đồng nội tệ lên giá quá, hay mất giá quá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục