Hội nghị lần thứ 11 các Quan chức cao cấp về quản lý thiên tai đã khai mạc ngày 21/9, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức.
Tại phiên họp toàn thể buổi sáng, các diễn giả đã chia sẻ thông tin về những hoạt động khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai “bình thường mới.” Phiên họp nhận định, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nền kinh tế có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt. Vì thế, công tác giảm thiểu thiệt hại thiên tai cần có kế hoạch tổng thể, được xây dựng trên các thông tin đa chiều; hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương.
Những chia sẻ từ các đại biểu từ Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNISDR), từ Philippines, Nhật Bản và Việt Nam trong vấn đề giảm thiểu rủi ro thiên tai cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ, đặc biệt cần ưu tiên trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp.
Theo chia sẻ của đại diện Văn phòng UNISDR, thiệt hại về thiên tai liên quan đến nước chiếm trên 90%, do vậy, cần có những hướng ứng phó phù hợp để giảm thiểu thiệt hại do nước gây ra.
[Công tác chuẩn bị Tuần lễ Cấp cao APEC đang vào giai đoạn nước rút]
Tiếp theo đó, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nhất trí việc thực hiện các hoạt động giảm thiểu thiên tai không thể thực hiện đơn lẻ, cần phải lồng ghép trong bối cảnh đảm bảo phát triển bền vững. Do vậy, 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc không thể đạt được nếu không ngăn ngừa được rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, phát triển kinh tế không được gây thêm những rủi ro mới; đồng thời, cần có những công cụ, các lớp đào tạo tập huấn để nhận diện và ngăn ngừa thiên tai.
Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tăng cường các hoạt động chuẩn bị ứng phó với thiên tai, trong đó cần tăng cường vai trò và thúc đẩy sự tham gia, đầu tư của khối tư nhân để tạo mối liên hệ khăng khít giữa các cơ quan chính phủ, các cơ sở nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, các nhà đầu tư và cộng đồng.
Trong hai phiên họp kỹ thuật buổi chiều, Hội nghị đã nghe 13 báo cáo từ các nền kinh tế chia sẻ thông tin về phát triển các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và áp dụng các đổi mới khoa học, công nghệ để đối phó với thiên tai bình thường mới, bao gồm các giải pháp cứng và giải pháp mềm. Các đại biểu cũng được nghe những báo cáo về việc ứng phó với các thảm họa khác.
Những thông tin được trao đổi tại Hội nghị có ý nghĩa thiết thực đối với Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế APEC nói chung. Những đề xuất mới, sáng kiến về các mô hình quản lý thiên tai trong thời gian tới, như việc thay đổi cách thức cung cấp thông tin, cảnh báo thông tin tại thời điểm phù hợp, cần tiếp tục được thúc đẩy, đặc biệt là thúc đẩy vai trò các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý khi điều hành quản lý thiên tai, thảm họa.
Ngày mai 22/9, Hội nghị sẽ tiếp tục các phiên thảo luận để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và đề xuất cho các vấn đề liên quan./.