Argentina điều chế huyết thanh ngăn hội chứng huyết tán tăng ure máu

Chuyên gia của CONICET cho hay trong loại huyết thanh được nghiên cứu có một kháng thể tương tự như loại huyết thanh từng được sử dụng chống lại nọc độc rắn và bọ cạp.
Argentina điều chế huyết thanh ngăn hội chứng huyết tán tăng ure máu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: medicalnewstoday.com)

Theo phóng viên tại Buenos Aires, ngày 15/4, các nhà khoa học Argentina thông báo đã đạt được thành công bước đầu trong nghiên cứu lâm sàng về một loại huyết thanh có khả năng ngăn chặn hội chứng huyết tán tăng ure máu (HUS).

Phát biểu tại cuộc họp báo, bác sỹ Ventura Simonovich, Trưởng khoa Dược lâm sàng của Bệnh viện Italy tại Buenos Aires, cho biết đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Argentina nghiên cứu liệu pháp điều trị căn bệnh trên và trước đó chưa có nước nào có được phương pháp điều trị thích hợp đối với HUS.

Ông Simonovich cho biết sẽ phải chờ ít nhất hai năm để thực hiện thống kê, phân tích về kết quả nghiên cứu và để các cơ quan quản lý dược phẩm của Argentina, Mỹ và Liên minh châu Âu cho phép bắt đầu đưa loại huyết thanh này ra thị trường toàn cầu.

[Phát triển phân tử mồi nhử giúp hạn chế di căn ung thư não, vú]

Chuyên gia của Hội đồng nghiên cứu khoa học và kỹ thuật của Argentina (CONICET), ông Linus Spatz cho hay trong loại huyết thanh được nghiên cứu nói trên có một kháng thể tương tự như loại huyết thanh từng được sử dụng chống lại nọc độc rắn và bọ cạp.

Sau khi hoàn tất thử nghiệm ở động vật, 14 người trưởng thành khỏe mạnh đã tình nguyện thử loại huyết thanh này và cho kết quả an toàn. Trong năm nay, khoảng 400 trẻ em Argentina bị mắc HUS sẽ tham gia cuộc thử nghiệm trên.

HUS là hội chứng xảy ra khi hệ thống tiêu hóa bị nhiễm trùng, bị lây truyền qua thực phẩm nhiễm vi khuẩn Escherichia Coli (E.Coli) và sản sinh ra các chất độc tố gây tiêu chảy và có thể phá hủy hồng cầu. Khi hồng cầu bị phá hủy, quá trình lọc thận bị tắc nghẽn, dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị suy thận. Chứng bệnh này ảnh hưởng chủ yếu tới trẻ em.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Argentina có tỷ lệ mắc HUS cao nhất thế giới với 500 trẻ em bị ảnh hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục