ASEAN cam kết đồng hành cùng thế giới đối phó với biến đổi khí hậu

Thủ tướng Thái Lan cho biết ASEAN đã áp dụng các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, trong khi các quốc gia thành viên cũng đang có những bước tiến để thích nghi với biến đổi khí hậu.
ASEAN cam kết đồng hành cùng thế giới đối phó với biến đổi khí hậu ảnh 1Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 23/9, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2019 đã khẳng định cam kết của ASEAN đồng hành cùng cộng đồng quốc tế để đối phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra ở New York (Mỹ), Thủ tướng Prayut cho rằng các quốc gia ASEAN dễ bị tổn thương  trước biến đổi khí hậu, đồng thời cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu đã đe dọa sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực.

[Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu Liên hợp quốc: Các nước đưa ra cam kết]

Ông Prayut cho biết ASEAN đã áp dụng các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, trong khi các quốc gia thành viên cũng đang có những bước tiến để thích nghi với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Prayut nhấn mạnh các quốc gia ASEAN cam kết tham gia vào những nỗ lực với cộng đồng quốc tế để chống biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Thái Lan khẳng định ở cấp độ toàn cầu, ASEAN ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ở mức độ khu vực, các quốc gia ASEAN đã và đang thực hiện những biện pháp theo Kế hoạch Tổng thể Văn hóa và Xã hội ASEAN 2025 nhằm làm cho khu vực có được môi trường và các cộng đồng bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu.

Nhà lãnh đạo Thái Lan cho biết Kế hoạch tổng thể của ASEAN có hai mục tiêu là chuyển đổi năng lượng và giảm phụ thuộc vào xăng dầu.

Các quốc gia ASEAN đã đạt được mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giảm được việc sử dụng năng lượng theo hiệu suất. Mức độ sử dụng năng lượng của khu vực Đông Nam Á đã giảm 21,9% so với năm 2005.

Thủ tướng Thái Lan Prayut khẳng định các quốc gia ASEAN sẽ tiếp tục tiết kiệm năng lượng và đạt mức giảm sử dụng năng lượng theo hiệu suất 30% vào năm 2025, trong khi tăng mức sử dụng năng lượng tái tạo lên 23% trong 6 năm tới.

ASEAN cũng đang làm việc để giảm 26% mức sử dụng xăng của các xe cỡ nhỏ trong giai đoạn 2015-2025.

Ngoài ra, ASEAN cũng sẽ đề xuất những chính sách tài chính dựa trên bảo tồn năng lượng và giảm khí thải carbon, cũng như công bố tiêu chuẩn bảo tồn năng lượng cho việc sử dụng các xe cỡ nhỏ.

Thủ tướng Prayut kêu gọi các quốc gia phát triển cung cấp hỗ trợ tài chính và công nghệ cho ASEAN để giúp khối này đạt được các mục tiêu bảo tồn năng lượng.

Theo ông Prayut, không có quốc gia nào có thể một mình chống lại biến đổi khí hậu. ASEAN sẵn sàng là một đối tác của cộng đồng quốc tế để thực hiện những hành động liên quan đến biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo môi trường bền vững cho các thế hệ hiện nay và mai sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục