ASEAN thiệt hại như thế nào trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ gây sức ép lớn đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, mà còn tác động đến nền kinh tế của các nước ASEAN.
ASEAN thiệt hại như thế nào trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát ảnh 1Người dân ở thủ đô Bangkok đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19 khi đi lại bằng phương tiện công cộng. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Trong bài viết đăng trên trang mạng Nhà quan sát mới đây, tác giả Lôi Tiểu Hoa, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện khoa học xã hội Quảng Tây, nhận định rằng sự phát triển của toàn cầu hóa khiến các nước cùng chung vận mệnh và cuộc khủng hoảng y tế công cộng xảy ra bất ngờ cũng không còn giới hạn ở một khu vực nhất định.

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và đã nhanh chóng lan ra các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Dịch bệnh này không chỉ gây sức ép lớn đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, mà còn tác động đến nền kinh tế của các nước ASEAN.

Tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế ASEAN

Xét về ngắn hạn, các ngành dịch vụ tiêu dùng của các nước ASEAN như du lịch, vận tải hàng không, khách sạn, ăn uống và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ trải qua thời kỳ ảm đạm.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đã kiểm soát dịch một cách hiệu quả, và nhờ đó sự lây lan dịch bệnh sang các nước ASEAN tương đối hạn chế. Các địa phương của Trung Quốc cũng đã khôi phục sản xuất một cách có trật tự.

[Dịch bệnh COVID-19 đe dọa ngành xuất khẩu trái cây của Thái Lan]

Xu hướng phát trưởng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn không thay đổi, do vậy chuỗi cung ứng Trung Quốc-ASEAN bị gián đoạn trong ngắn hạn dự kiến sẽ nhanh chóng được phục hồi.

Nói một cách khác, tác động của dịch bệnh đối với kinh tế Đông Nam Á tạm thời chưa thể dự đoán chính xác, nhưng may mắn là những tác động này có giới hạn.

Trong ngắn hạn, tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế ASEAN chủ yếu được thể hiện ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, dịch bệnh đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước. Chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tình hình căng thẳng Mỹ-Iran, Trung Đông và tính bất ổn của thương mại toàn cầu, các tổ chức nghiên cứu quốc tế đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của các nước ASEAN. Trước tác động của dịch bệnh, các tổ chức lớn tiếp tục hạ dự báo này.

Hãng tin Bloomberg ước tính nền kinh tế Đông Nam Á năm 2020 chỉ ở mức "trì trệ," và giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế tổng thể của 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, từ 4,1% xuống còn 3,8%.

Sau khi đánh giá thận trọng về tình hình dịch bệnh, chính phủ các nước ASEAN cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020.

Chẳng hạn như Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong quý 1/2020 có thể thấp hơn 1%, tốc độ tăng trưởng cả năm có thể dưới 2%.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết tình hình dịch bệnh có thể khiến nền kinh tế Singapore bước vào suy thoái.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2020 của Singapore sẽ giảm 1 điểm phần trăm.

Thứ hai, ngành dịch vụ giữa lúc "ăn nên làm ra" tạm thời đón mùa "ảm đạm."

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Trung Quốc đã tạm thời hủy các tour du lịch nước ngoài theo đoàn.

Đồng thời, các nước ASEAN đã tăng cường kiểm tra nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc, thậm chí cấm hoàn toàn du khách Trung Quốc ở vùng dịch nhập cảnh, tạm dừng một số hoặc toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.

Những biện pháp này đã khiến số lượng du khách vào các nước ASEAN giảm mạnh và doanh thu của các dịch vụ tiêu dùng như vận tải hàng không, du lịch, lưu trú, ăn uống, bán lẻ... đã giảm mạnh.

Theo đánh giá thận trọng, trong tháng 2/2020, doanh thu của các nhà hàng, trung tâm mua sắm và khách sạn ở các nước ASEAN nổi tiếng về du lịch giảm mạnh khoảng 50-80%.

Theo thống kê của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, dự báo cả năm sẽ giảm khoảng 5 triệu du khách Trung Quốc, thiệt hại khoảng 250 tỷ baht (632,5 triệu USD).

Cơ quan quản lý Angkor Wat của Campuchia cho biết, doanh thu vé vào cửa Angkor Wat giảm 30% đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ ba, công tác phòng chống dịch bệnh dẫn đến xuất nhập khẩu sang Trung Quốc sụt giảm mạnh.

Do bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, các hoạt động giao dịch xuất nhập khẩu của ASEAN với Trung Quốc đã gặp khó khăn, một số cửa khẩu biên giới trên đất liền giáp ranh với Trung Quốc đã tạm thời bị đóng cửa, điều này khiến cho hàng hóa đến cửa khẩu không thể giao dịch được.

Ngoài ra, biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bằng việc ở nhà của người dân Trung Quốc cũng tạm thời làm giảm nhu cầu tiêu dùng.

Thứ tư, chuỗi cung ứng tạm thời bị gián đoạn, dẫn đến năng lực sản xuất gia công sụt giảm. Một số lượng lớn các nhà quản lý và công nhân kỹ thuật trở về Trung Quốc vào kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán đã phải ở lại trong nước do dịch bệnh.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã kéo dài thời gian nghỉ của lao động, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến năng lực sản xuất gia công, chế tạo của các nước ASEAN.

Các ngành nghề ở các nước ASEAN như sản xuất điện thoại di động, dệt may và hàng tiêu dùng đã hình thành sự phân công lao động hợp lý với Trung Quốc, chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng nguyên liệu, linh phụ kiện và các sản phẩm trung gian... cũng buộc phải ngừng hoặc giảm bớt sản xuất. Lấy hàng dệt may làm ví dụ, Campuchia có 80% nguyên liệu thô đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 11/2 cho biết do ảnh hướng của việc gián đoạn nguồn cung nguyên liệu thô ở Trung Quốc, một số nhà máy ở Campuchia sẽ tạm thời đóng cửa hoặc ngừng hoạt động trong tháng Ba.

Hiện, các địa phương của Trung Quốc đã lần lượt mở cửa hoạt động trở lại, những chuỗi cung ứng bị gián đoạn này sẽ nhanh chóng được bổ sung.

Thứ năm, lĩnh vực đầu tư bị thu hẹp, đầu tư của Trung Quốc tạm thời sụt giảm.

Trước tình hình dịch bệnh, các ngành nghề như du lịch, ăn uống, khách sạn, bán lẻ của các nước ASEAN do số lượng du khách quốc tế giảm mạnh, thu hút đầu tư cũng sụt giảm.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang nghe ngóng tình hình nên quy mô thu hút vốn nước ngoài của các nước ASEAN cũng thu hẹp.

Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong việc cung cấp nguyên liệu thô của Trung Quốc nên việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng có phần sụt giảm.

Do dòng vốn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các nhà đầu tư Trung Quốc trong ngắn hạn có thể sẽ thận trọng hơn khi đầu tư vào thị trường ASEAN.

Tuy nhiên, sau khi hết dịch bệnh, nếu đầu tư của Trung Quốc hướng nhiều hơn vào các lĩnh vực như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, y sinh...,  điều này cũng sẽ tạo thêm động lực mới cho sự phát triển kinh tế của ASEAN.

Phương án "chống dịch" của các nước ASEAN

Đối với các nước có nền kinh tế vốn đã rất mong manh, mối đe dọa của dịch COVID-19 có thể chỉ là "giọt nước làm tràn ly."

Để đối phó với tác động của dịch bệnh, Singapore, Malaysia và Campuchia đã đi đầu trong việc khởi động các chương trình kích thích kinh tế.

Các nước như Thái Lan, Philippines cũng lần lượt áp dụng một số biện pháp mang tính mục tiêu, trong đó có các biện pháp chống dịch bệnh như chính sách ngắm trúng mục tiêu, thực thi đồng thời chính sách đối nội, đối ngoại ngắn và dài hạn, xây dựng niềm tin tiêu dùng, đảm bảo vấn đề dân sinh nổi bật và tái đào tạo nghề...

Một cách làm hiệu quả chính là gia tăng hỗ trợ đúng lúc cho các ngành nghề bị ảnh hưởng.

Mức độ dịch bệnh lần này gây thiệt hại đối với các nước ASEAN là khác nhau, trong đó, Thái Lan và Singapore phải chịu "tổn thương" lớn nhất.

Ngành du lịch Malaysia, ngành du lịch và dệt may của Campuchia và Việt Nam bị ảnh hưởng. Vì vậy, các nước đã áp dụng các chính sách chuẩn xác và kịp thời như ưu đãi thuế và hỗ trợ tín dụng cho các ngành nghề bị ảnh hưởng…

Giữa tháng Hai, Singapore khẩn trương sửa đổi và ban hành Dự toán ngân sách 2020.

Đối với năm ngành nghề chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh, như du lịch, hàng không, bán lẻ, ăn uống và giao thông đường bộ, nước này thực hiện các biện pháp hỗ trợ như miễn tiền thuê nhà 1 tháng, giảm 10% đến 30% thuế, cho vay ưu đãi...

Malaysia cũng đã công bố kế hoạch chấn hưng kinh tế đồng bộ với chủ đề là "củng cố lòng tin, kích thích tăng trưởng, đảm bảo việc làm" với tổng số tiền 20 tỷ ringgit (tương đương 4,77 tỷ USD), thực hiện các chính sách như miễn thuế, ưu đãi, nới lỏng các hạn chế của chính phủ đối với các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh như khách sạn, du lịch, trung tâm thương mại…

Chính phủ Thái Lan có kế hoạch đưa ra một chính sách vào tháng Ba để hỗ trợ cho ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, dự định áp dụng các biện pháp bao gồm cắt giảm thuế, ngân hàng cho vay ưu đãi...

Campuchia trong tháng Hai đã đưa ra phương án gói kích thích kinh tế, đưa ra các biện pháp như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tem, miễn nộp bảo hiểm trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, tăng cường hỗ trợ thất nghiệp và tái đào tạo nghề… cho các ngành du lịch, dệt may và bất động sản.

Các nước ASEAN cũng chú trọng đến việc thúc đẩy chuyển đổi mô hình doanh nghiệp và phát triển công nghệ.

Lấy Singapore làm ví dụ, nước này có kế hoạch phân bổ 8,3 tỷ đôla Singapore (5,99 tỷ USD) trong 3 năm tới để tăng cường đổi mới công nghệ và chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, với số tiền chiếm 10% tổng ngân sách.

Xét một cách cụ thể, Singapore có kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi mô hình doanh nghiệp thông qua các biện pháp như thiết lập các trang web kinh doanh, chuyển đổi mô hình kỹ thuật số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ cho việc phát triển thị trường mới nổi.

ASEAN thiệt hại như thế nào trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát ảnh 2Du khách đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 5/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Để thúc đẩy chuyển đổi mô hình doanh nghiệp và khuyến khích mở rộng đầu tư tư nhân, Malaysia đã thành lập quỹ đầu tư chung 500 triệu ringgit (tương đương 119,34 triệu USD), miễn phí cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Nước này cũng cung cấp 300 triệu ringgit (tương đương 71,89 triệu USD) để khuyến khích chuyển đổi mô hình kỹ thuật số, hỗ trợ chi phí hai năm khấu hao máy móc, miễn thuế nhập khẩu và thuế bán các thiết bị cảng trong thời gian ba năm...

Để đối phó với khủng hoảng, các nước ASEAN thường thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, tăng lượng cung ứng tiền tệ, duy trì đủ thanh khoản tiền tệ, đồng thời tăng chi tiêu tài chính công để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Thái Lan và Philippines đã đi đầu trong việc giảm lãi suất cơ bản của ngân hàng.

Ngày 5/2, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã hạ lãi suất cơ bản của ngân hàng tới 25 điểm cơ bản, từ 1,25% xuống còn 1%, lập mức thấp kỷ lục trong lịch sử Thái Lan.

Ngân hàng Trung ương Philippines cũng hạ lãi suất cơ bản từ 4% xuống 3,75%, đồng thời có kế hoạch giảm thêm 25 điểm cơ bản trong năm nay.

Để đối phó với tác động của dịch bệnh, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có kế hoạch áp dụng các biện pháp nhằm xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng để mở rộng nhu cầu trong nước.

Việt Nam có kế hoạch mở rộng nhu cầu trong nước và tăng xuất nhập khẩu sang các thị trường quốc tế khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xây dựng các tiêu chuẩn chỉ tiêu an toàn du lịch, thành lập liên minh kích cầu du lịch, khuyến khích người Việt Nam du lịch nội địa, thúc đẩy phát triển du lịch bằng cách tăng cường tuyên truyền, khai thác thị trường du lịch trong nước và phát triển thị trường ở các nước khác...

Chính phủ cũng khuyến khích người Việt dùng hàng Việt nhằm mở rộng nhu cầu trong nước.

Khi so sánh tổng quan chính sách kích thích kinh tế mà Trung Quốc đưa ra và biện pháp mà các nước ASEAN áp dụng để thúc đẩy hoạt động và sản xuất trở lại có trật tự, có thể thấy các ưu đãi về tài chính và thuế của Trung Quốc tương đối lớn, nhưng việc thực thi các chính sách nới lỏng tiền tệ lại chậm hơn so với các nước ASEAN.

Về mặt chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, tăng cường đổi mới công nghệ và xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng, Trung Quốc vẫn còn có không gian để cải thiện hơn nữa.

Kết hợp các ưu điểm và nhược điểm trong phương án phòng chống dịch bệnh của nhiều nước ASEAN, bao quát tình hình trong ngoài có thể cung cấp một số ý tưởng cho sự khôi phục phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Lẽ dĩ nhiên, không có kinh nghiệm nào có thể được sao chép hoàn toàn, các quốc gia và khu vực vẫn cần phải tùy theo tình hình cụ thể của mình mà vận dụng cho phù hợp và tùy cơ ứng biến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục