ASEM 12: Châu Âu tìm kiếm sự ủng hộ của châu Á trong các vấn đề nóng

Tại phiên khai mạc ASEM 12, các quốc gia châu Âu đã thể hiện mong muốn nhận được sự ủng hộ từ châu Á nhằm bảo vệ hệ thống tự do thương mại và đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
ASEM 12: Châu Âu tìm kiếm sự ủng hộ của châu Á trong các vấn đề nóng ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 12. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 18/10, tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao Á Âu 12 (ASEM 12), các quốc gia châu Âu đã thể hiện mong muốn nhận được sự ủng hộ từ châu Á nhằm bảo vệ hệ thống tự do thương mại và đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, để kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ do Mỹ khởi xướng.

Hội nghị năm nay có sự tham dự của lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), 20 lãnh đạo quốc gia châu Á trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.

[Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á Âu lần thứ 16]

Trong bối cảnh các biện pháp thuế quan do Washington áp đặt gây không ít trở ngại cho hệ thống kết nối thương mại toàn cầu, các lãnh đạo ASEM sẽ dành 2 ngày làm việc để thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường ủng hộ hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Phát biểu khai mạc ASEM 12 tổ chức tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nhắn nhủ tới những người mà ông gọi là "nôn nóng muốn thay đổi mọi thứ nhanh chóng mà không cần dựa trên các qui định" rằng một thế giới không có luật định sẽ là một thế giới hỗn loạn.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini khẳng định chương trình nghị sự thể hiện sự ủng hộ với chủ nghĩa đa phương, hành động chống biến đổi khí hậu, thương mại tự do và công bằng, không phổ biến vũ khí hạt nhân và các thỏa thuận quốc tế ủng hộ cấu trúc toàn cầu không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các lãnh đạo sẽ dành cả ngày 19/10 thảo luận về các chủ đề như thương mại và đầu tư, kết nối, vấn đề chống khủng bố và hạt nhân và vấn đề môi trường, khí hậu. Các buổi lễ ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Singapore, EU và Việt Nam sẽ diễn ra bên lề hội nghị. Vấn đề căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên cũng nằm trong chương trình nghị sự trong đó các quan chức cấp cao của EU sẽ tổ chức các cuộc đối thoại với Tổng thống Hàn Quốc về vấn đề này.

Bên cạnh đó, các quốc gia châu Âu cũng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của châu Á để duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn đang đứng trước bờ vực sụp đổ sau khi Mỹ rút khỏi. Các lãnh đạo cũng sẽ thảo luận "chiến lược kết nối châu Á" do EU đề xuất trong đó có các biện pháp cải thiện giao thông, kết nối kỹ thuật số và năng lượng giữa hai châu lục song song với cải thiện các tiêu chuẩn môi trường và lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục