Australia chi 33 triệu USD cho việc nghiên cứu di chứng hậu COVID-19

WHO định nghĩa COVID kéo dài là hiện tượng các triệu chứng bệnh tiếp diễn hoặc phát triển những triệu chứng mới 3 tháng sau khi nhiễm virus; các triệu chứng này kéo dài ít nhất 2 tháng.
Australia chi 33 triệu USD cho việc nghiên cứu di chứng hậu COVID-19 ảnh 1(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Y tế và chăm sóc người cao tuổi Australia, ông Mark Butler ngày 24/4 thông báo Chính phủ sẽ cấp 50 triệu dollar Australia (33,3 triệu USD) từ Quỹ tương lai nghiên cứu y học cho việc nghiên cứu di chứng hậu COVID-19 (PASC).

Theo ông Butler, việc cấp khoản kinh phí trên sẽ giúp tăng hiểu biết về PASC - thường được gọi là hội chứng COVID kéo dài (long COVID), đồng thời cung cấp bằng chứng để hoạch định chính sách và ứng phó y tế.

Thông báo này được đưa ra trùng thời điểm Quốc hội Australia công bố báo cáo về các tác động y tế, kinh tế và xã hội của hội chứng COVID kéo dài.

Ủy ban thường trực về y tế, chăm sóc người cao tuổi và thể thao của Quốc hội Australia kêu gọi thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất về COVID-19 thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Australia và chương trình nghiên cứu do nhà nước điều phối đối với COVID-19 và COVID kéo dài.

Ông Butler nhấn mạnh "COVID kéo dài là vấn đề y tế mới nổi, cả ở Australia lẫn quốc tế." Bộ trưởng Butler cho biết ông đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế phát triển kế hoạch quốc gia đối phó với COVID kéo dài, cân nhắc các phát hiện của ủy ban trên.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa COVID kéo dài là hiện tượng các triệu chứng bệnh tiếp diễn hoặc phát triển những triệu chứng mới 3 tháng sau khi nhiễm virus; các triệu chứng này kéo dài ít nhất 2 tháng.

Báo cáo của Quốc hội Australia ngày 24/4 cho rằng Australia cần tiếp tục sử dụng định nghĩa trên vào thời điểm này, tuy nhiên cần sửa đổi khi nghiên cứu có kết quả.

Ông Mike Freelander, chủ tịch ủy ban trên, cho biết nghiên cứu gặp trở ngại do thiếu dữ liệu cụ thể về COVID kéo dài ở Australia.

Ông Freelander nhấn mạnh: "Rõ ràng COVID kéo dài là một vấn đề lớn và đánh giá cho thấy khoảng từ 2% đến 20% những người mắc COVID-19 có thể phát triển COVID kéo dài. Ở giai đoạn này, dường như các biện pháp điều trị cụ thể cần thêm bằng chứng tác dụng trước khi được khuyến nghị cụ thể, tuy nhiên qua một thời gian điều này sẽ trở nên rõ ràng."

[Sự tương đồng giữa hội chứng mệt mỏi mãn tính và COVID kéo dài]

Kết quả của một nghiên cứu quy mô lớn tại Israel cho thấy hầu hết các triệu chứng của COVID kéo dài sẽ hết trong vòng 1 năm đối với những trường hợp mắc COVID-19 mức độ nhẹ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ít nhất 17 triệu người ở châu Âu đã mắc hội chứng COVID kéo dài nhiều tháng kể từ khi khỏi bệnh sau lần mắc bệnh đầu tiên trong năm 2020 và 2021.

Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ về COVID kéo dài, chẳng hạn như hội chứng này kéo dài bao lâu.

Các nhà nghiên cứu ở Israel đã phân tích hồ sơ y tế của gần 2 triệu người thuộc mọi lứa tuổi đã xét nghiệm COVID-19 ở nước này từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2021. Do đó, kết quả bao gồm các biến thể của virus SARS-CoV-2 lưu hành trước đó, trong đó có biến thể Delta, nhưng không bao gồm các dòng phụ của biến thể Omicron được phát hiện gần đây.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét các hồ sơ y tế do công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe Maccabi Healthcare Services cung cấp để tìm hơn 70 triệu chứng khác nhau liên quan đến COVID kéo dài. Họ đã loại trừ những bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nặng hơn, bao gồm cả những người phải nhập viện, những người mà nghiên cứu trước đây cho thấy có nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài cao hơn.

Đối với những trường hợp nhẹ, nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc một số bệnh tăng lên đáng kể, bao gồm mất khứu giác và vị giác, khó thở, suy nhược, đánh trống ngực, viêm họng liên cầu khuẩn, chóng mặt, suy giảm khả năng tập trung và trí nhớ thường được gọi là "sương mù não." Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng đều hết trong vòng 12 tháng.

Nhà nghiên cứu Maytal Bivas-Benita tại Viện nghiên cứu KI của Israel và đồng tác giả nghiên cứu cho biết có một số ít người vẫn bị khó thở hoặc suy nhược trong vòng 1 năm sau khi mắc COVID-19.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ cũng phát hiện rằng những người mắc COVID-19 đã tiêm phòng có nguy cơ mắc các triệu chứng về hô hấp-triệu chứng phổ biến nhất-thấp hơn so với những trường hợp không tiêm phòng. Trong khi đó, trẻ em gặp ít vấn đề về sức khỏe hơn người lớn và hầu hết đều phục hồi tốt trong vòng 1 năm.

Tác giả chính của nghiên cứu Barak Mizrahi, cho biết ông hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp các bác sỹ có thêm cơ sở khi đưa ra kết luận về việc liệu các triệu chứng của bệnh nhân có liên quan đến COVID-19 hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục