Australia kêu gọi EU sớm đạt thỏa thuận thương mại song phương

Hiệp định thương mại tự do giữa Australia và EU mang lại lợi ích tốt nhất cho cả hai bên và giúp các nước thành viên EU có sự hiện diện lớn hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Australia kêu gọi EU sớm đạt thỏa thuận thương mại song phương ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan. (Ảnh: AAP)

Ngày 22/9, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan nhấn mạnh thỏa thuận thương mại giữa Australia và Liên minh châu Âu (EU) sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời giúp các nước thành viên EU có sự hiện diện lớn hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh Canberra nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với Paris sau khi hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD.

Phát biểu tại Canberra, Bộ trưởng Tehan đã kêu gọi EU sớm xúc tiến để đạt được một thỏa thuận thương mại với Australia. Ông nhấn mạnh: "Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Australia và EU mang lại lợi ích tốt nhất cho cả hai bên. EU sẽ sử dụng hiệp định này như một cách để tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì họ nhận thấy rằng nhiều hoạt động kinh tế của thế giới diễn ra trong khu vực này."

Australia và EU dự kiến sẽ tiến hành vòng đàm phán tiếp theo về thỏa thuận thương mại vào ngày 12/10 tới.

[Australia tin tưởng vào triển vọng FTA với EU bất chấp Pháp cản trở]

Trước đó, ngày 21/9, phát biểu trong một cuộc họp song phương tại New York với Thủ tướng Australia Scott Morrison, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định đối với châu lục này, sự minh bạch và lòng trung thành là những nguyên tắc cơ bản để xây dựng quan hệ đối tác và liên minh mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng Morrison đang có mặt tại Mỹ để chuẩn bị tham dự cuộc họp nhóm Bộ tứ an ninh gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Autralia dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Ông đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại New York, song cho biết sẽ không thể gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Australia tuần trước đã hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD với Hải quân Pháp. Thay vào đó, Canbarre ký thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo một phần nội dung của thỏa thuận này, Australia sẽ đóng tám tàu ngầm hạt nhân tại Adelaide, với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh.

Pháp đã triệu hồi các đại sứ từ Canberra và Washington về nước để tham vấn, đồng thời cáo buộc các đồng minh "nói dối" về kế hoạch của họ. Đây là lần đầu tiên Pháp triệu hồi đại sứ của nước này tại Mỹ từ khi hai nước thiết lập quan hệ vào năm 1778./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục