Ngày 24/6, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới cần đưa ra lựa chọn chính trị đối với cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, vì đây là nguyên nhân duy nhất gây kìm hãm sự phát triển toàn cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phát biểu trong buổi gặp mặt các doanh nghiệp Australia tại thành phố Perth (bang Tây Australia), Thủ tướng Morrison cho rằng thế giới đang thiếu những tiếng nói quan trọng. Ông nhấn mạnh rào cản duy nhất đối với nền kinh tế thế giới chính là yếu tố chính trị, trong khi những hành động và chính sách của một số quốc gia lớn đã không đủ để giải quyết các vấn đề khá nghiêm trọng đang xảy ra.
Ông Morrison cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản, để thảo luận về việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại. Trong khi nhiều nhà lãnh đạo mong muốn ông Trump và ông Tập Cận Bình sẽ giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả, ông Morrison cho rằng cần kiên nhẫn chờ xem điều gì xảy ra và Australia sẽ không bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp giữa hai bên.
Nhà lãnh đạo Australia khẳng định tại hội nghị G20 lần này sẽ tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, vì cuộc chiến này làm ảnh hưởng tới niềm tin doanh nghiệp và tác động tới đầu tư thế giới.
[5 sai lầm cần thay đổi để chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung]
Trước đó, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg đã tham dự cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính G20 tại thành phố Osaka. Trong cuộc họp này, ông Frydenberg nêu vấn đề xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, cũng như cảnh báo tình trạng bảo hộ thương mại đang ngày càng lan rộng trên thế giới.
Dự kiến, ngày 28/6 tới, Thủ tướng Morrison sẽ lên đường tới Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại tốn kém, gây áp lực cho các thị trường và làm tổn hại nền kinh tế thế giới. Các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp giải quyết mâu thuẫn đã đổ vỡ hồi tháng trước, sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh rút lại các cam kết về việc tiến hành thay đổi kinh tế mang tính cấu trúc. Từ đó tới nay, các hoạt động trao đổi giữa hai bên diễn ra hạn chế./.