Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Chính phủ Australia ngày 25/9 thông báo đã nối lại chương trình thị thực cho khách du lịch Trung Quốc đi theo nhóm đến Australia.
Đây là động thái nhằm đưa thị trường khách du lịch Trung Quốc của Australia hồi phục trở lại như giai đoạn trước đại dịch.
Trong một thông báo, Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Australia, Don Farrell cho biết Chính phủ Australia đã nối lại chương trình thị thực Tình trạng Điểm đến được phê duyệt (ADS) nhằm tạo điều kiện để các nhóm du khách Trung Quốc trở lại Australia.
Theo Bộ trưởng Don Farrell, lượng du khách Trung Quốc đến Australia trong tháng Bảy vừa qua đã lần đầu tiên vượt 50% số lượng du khách của năm 2019.
[Trung Quốc nối lại các chuyến du lịch theo nhóm tới hàng chục nước]
Trung Quốc đang là thị trường du lịch lớn thứ hai của Australia, mặc dù số lượng du khách Trung Quốc hiện mới chỉ bằng một nửa so với giai đoạn trước đại dịch.
Ông Farrell cho rằng việc nối lại các chuyến du lịch theo nhóm của du khách Trung Quốc sẽ tiếp tục mang lại động lực tích cực cho các nhà điều hành du lịch Australia.
Theo thống kê chính thức của Chính phủ Australia, năm 2019, Australia đón khoảng 1,4 triệu lượt du khách Trung Quốc với mức chi tiêu khoảng 2,1 tỷ AUD (1,35 tỷ USD), trong đó các nhóm du lịch theo chương trình thị thực ADS đã chi tiêu khoảng 581 triệu AUD.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Du lịch Australia (TRA) của Chính phủ Australia, thị trường khách du lịch Trung Quốc từng là thị trường du lịch lớn nhất của Australia và đóng vai trò trụ cột cho nền kinh tế, với mức chi tiêu cao nhất lên đến 12,4 tỷ AUD/năm, song lượng du khách Trung Quốc đến Australia dự kiến sẽ không thể đạt được mức trước đại dịch cho đến năm 2026.
New Zealand hiện đang là nguồn khách du lịch quốc tế lớn nhất vào Australia.
Hồi tháng trước, Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến du lịch theo nhóm đến một số quốc gia, trong đó có Australia, như một phần trong nỗ lực nới lỏng các quy định hạn chế đi lại trong thời kỳ đại dịch.
Tuy nhiên, tình trạng hạn chế các chuyến bay cũng như một số yếu tố khác liên quan đến kinh tế có thể khiến người dân ở quốc gia đông dân nhất thế giới này không đi du lịch với số lượng lớn như giai đoạn trước đại dịch./.