Các nhà khoa học Australia đang phát triển một loại thuốc mới giúp kéo dài thời gian sống cho những người bị nội thương nghiêm trọng thêm 3 ngày so với mức 20 giờ như hiện nay.
Theo giáo sư Geoffrey Dobson thuộc Khoa dược và nha khoa của Đại học James Coom (JCU), loại thuốc này được phát triển từ ý tưởng làm chậm quá trình trao đổi chất, từ đó giảm tốc độ tiêu hao năng lượng, giúp kéo dài thời gian sinh học cho các bệnh nhân.
Theo giáo sư Dobson, thời gian sinh học là khái niệm liên quan tới tốc độ trao đổi chất và tuổi thọ của con người.
Nếu như những động vật nhỏ có nhịp sống nhanh với tốc độ trao đổi chất tương đương với một chiếc xe đua công thức I và những động vật có vú lớn hơn có tốc độ trao đổi chất tương đương một máy kéo thì tốc độ trao đổi chất ở con người ở khoảng giữa hai ngưỡng này.
Do đó, việc phát triển một loại thuốc làm chậm quá trình trao đổi chất ở những bộ phận khác nhau trong cơ thể sẽ giúp kéo dài thêm thời gian sinh học quý giá và tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân bị thương nặng.
[Nhiều bệnh nhân ung thư không chết vì khối u mà chết vì suy dinh dưỡng]
Giáo sư Dobson và các đồng nghiệp phát hiện thấy loại thuốc này tác động tới quá trình trao đổi chất ở một số bộ phận quan trọng trong cơ thể, trong đó có não và tim, giúp cải thiện quá trình vận chuyển oxy và có thể giúp kéo dài thời gian sống sót của bệnh nhân thêm từ 3 đến 7 ngày, thậm chí có thể lâu hơn.
Nghiên cứu này được quân đội Mỹ tài trợ với mục đích kéo dài thời gian sống cho những binh lính bị thương nặng trên chiến trường.
Nhưng loại thuốc này cũng có thể được đưa vào dùng cho các hoạt động y tế dân sự, đặc biệt là với những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi người dân khó được tiếp cận các biện pháp điều trị ngay lập tức khi gặp tai nạn trong sản xuất nông nghiệp, bị cá mập tấn công hay các biến chứng sản khoa.
Giáo sư Dobson cho biết loại thuốc này sẽ được thử nghiệm trên người vào năm tới./.