Australia tiếp tục hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục mới

Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng liên tiếp RBA cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm sau khi giữ nguyên lãi suất trong suốt ba năm kể từ tháng 8/2016.
Australia tiếp tục hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục mới ảnh 1Đồng đôla Australia tại Sydney. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 2/7, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA tức ngân hàng trung ương) đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục mới 1% để đối phó với tình trạng thất nghiệp gia tăng và nền kinh tế trong nước đang tăng trưởng chậm lại.

Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng liên tiếp RBA cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm sau khi giữ nguyên lãi suất trong suốt ba năm kể từ tháng 8/2016.

Lần cắt giảm mới đây nhất diễn ra vào 4/6, một ngày trước khi Australia công bố số liệu GDP quý 1/2019 đáng thất vọng. Kể từ thời điểm đó đến nay, nền kinh tế của Xứ chuột túi vẫn trong tình trạng trì trệ.

[Kinh tế Australia có dấu hiệu trì trệ trước thềm cuộc bầu cử]

Quyết định mới nhất này của RBA đã được đồn đoán khi tháng trước Thống đốc RBA Philip Lowe tuyên bố rằng một đợt cắt giảm lãi suất sẽ không có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế Australia đang bước vào giai đoạn khó khăn, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng dần trong những tháng gần đây, từ mức 4,9% đầu năm lên 5,2% vào tháng Năm. Trong khi GDP quý 1/2019 chỉ tăng 0,4% so với quý trước đó và là mức tăng thấp nhất kể từ quý 3/2009.

Theo Thống đốc Lowe, duy trì một tỷ lệ lãi suất thấp hơn có thể giúp thúc đẩy mục tiêu của RBA. Ông tuyên bố động thái này sẽ hỗ trợ giảm thất nghiệp và giúp RBA đạt được tiến bộ chắc chắn hơn đối với mục tiêu lạm phát.

Thống đốc Lowe lưu ý mức tăng tiền lương của Australia vẫn ở mức thấp và triển vọng tiêu dùng hộ gia đình không chắc chắn. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng dẫn đến khả năng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ, ảnh hưởng tới nguồn vốn cho các ngân hàng lớn của Australia.

Người đứng đầu RBA nói rằng sự không chắc chắn do các tranh chấp thương mại và công nghệ đang ảnh hưởng đến đầu tư, qua đó là gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục