Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về xung đột Nagorny Karabakh

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan về giải pháp cho cuộc xung đột Nagorny-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia.
Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về xung đột Nagorny Karabakh ảnh 1Tổng thống Azerbaijan Aliyev và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. (Nguồn: azertag.az)

Sputnik đưa tin, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ để dự Đại hội dầu mỏ thế giới ở Istanbul, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan về giải pháp cho cuộc xung đột Nagorny-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia.

Văn phòng báo chí của Tổng thống Azerbaijan thông báo ngày 10/7 rằng: "Các bên đã thảo luận việc giải quyết cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh. Tổng thống Ilham Aliyev đã thông báo cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chi tiết về những hành động gây hấn mới nhất của Armenia."

[Nga: Cơ chế điều tra đụng độ ở Karabakh vẫn chưa được thực hiện]

Tổng thống Erdogan nhấn mạnh rằng Ankara luôn luôn ủng hộ việc giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế thuộc phạm vi toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng bàn về việc mở rộng và tăng cường hợp tác giữa hai nước về lĩnh vực quân sự. 

Nagorny Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia.

Tình trạng này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường, chủ yếu là người Azerbaijan, phải lánh nạn.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục