Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, mặc dù hiện nay nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp vẫn rất lớn, nhưng số lượng dự án đã tiến hành khởi công lại không nhiều. Chỉ 1/10 số dự án được khởi công Theo báo cáo nhanh từ Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, hiện nay Việt Nam không hề thiếu các nhà đầu tư đã đăng ký tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Tính đến thời điểm tháng 1/2010, trên địa bàn cả nước đã có 527 dự án đăng ký với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 131.955 tỷ đồng. “Thị trường bất động sản bắt đầu có xu hướng chuyển mạnh từ phân khúc nhà cao cấp sang phân khúc trung bình và đặc biệt là nhà dành cho người có thu nhập thấp. Điều này sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản bình ổn hơn trong những năm kế tiếp,” ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định. Tuy nhiên, ông Hà cũng quan ngại về tình trạng cung trên thực tế đang không tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng của các nhà đầu tư. Trái ngược với những con số “trên giấy tờ”, hiện mới chỉ có 55 dự án được khởi công, chiếm chưa đến 1/10 tổng số được duyệt. Thậm chí, mức đầu tư các dự án đã “chạy đà” nói trên cũng chỉ chiếm 1/25 so với tổng mức. Trong khi nguồn cung đang bị “ách” lại bởi cả những lý do khách quan và chủ quan khác nhau thì nhu cầu từ phía người dân lại rất lớn. Hiện, cả nước có 194 khu công nghiệp thu hút khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và 1,2-1,5 triệu lao động gián tiếp; có gần 400 trường đại học, cao đẳng và trên 300 trường trung học dạy nghề, hàng năm đào tạo khoảng 3 triệu sinh viên. Ngoài ra tại khu vực đô thị còn khoảng 600-700 ngàn cán bộ, công chức (chiếm 1/3 số cán bộ, công chức, viên chức) và nhiều đối tượng thu nhập thấp khác còn gặp khó khăn về chỗ ở. Mắc cạn ở nhiều khâu Thừa nhận thực trạng “mắc cạn” số dự án nhà ở xã hội, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đồng thời chỉ ra 3 nguyên nhân cơ bản làm trầm trọng hóa cơn khát dự án này. Thứ nhất, theo ông Nam, việc triển khai các dự án tại khu vực đô thị không sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà chủ yếu huy động vốn đến từ các thành phần kinh tế khác. Đơn cử như trong tổng số vốn 131.955 tỷ đồng dành cho 527 dự án thuộc lĩnh vực này thì đã có đến 123.542 tỷ (chiếm hơn 90%) đến từ các thành phần kinh tế này. Chính đặc điểm đó đã khiến cho các chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn cũng như thu hồi vốn về sau, nhất là trong giai đoạn suy giảm kinh tế của toàn thế giới hiện nay. “Nhiều dự án không thể thực hiện do bị bế tắc về huy động vốn,” ông Nam khẳng định. Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho cơn khát các dự án càng trở nên trầm kha là quỹ đất hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Theo quy định, các địa phương phải bố trí tối thiểu 20% diện tích đất nhà ở thương mại và khu đô thị hoặc có bố trí riêng quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng ở một số địa phương vẫn còn chậm. Điều này ngay lập tức sẽ níu chân dự án, khiến các dự án mặc dù đã được duyệt vẫn phải nằm lại trên giấy. Cuối cùng, ông Nam chỉ ra, vướng mắc về thủ tục hành chính có thể sẽ là một vật cản lớn khiến các nhà đầu tư quay lưng lại với các dự án mang tính xã hội cao này. “Nhiều doanh nghiệp nói vui họ có thể xin không cần hỗ trợ về quỹ đất và vốn nhưng xin được đơn giản hóa thủ tục hành chính để làm việc được thuận lợi hơn,” ông Nam cho biết./.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, để tháo gỡ rào cản, Nhà nước cần có cơ chế, nguồn kinh phí hoặc hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Việt Nam nghiên cứu triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tối đa lên tới 70% tổng mức đầu tư của dự án với lãi suất ưu tiên (6-7%/năm). Thời hạn cho vay sẽ là từ 10 đến 15 năm. Với những động thái mới này, Bộ xây dựng kỳ vọng trong năm 2010 sẽ có thể thí điểm triển khai thêm 30 dự án mới. |
Sơn Bách (Vietnam+)