Ba lý do chứng minh các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ là vô ích

Ngày 5/11, Chính quyền Trump đã áp đặt một loạt đòn trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Iran, tuy nhiên, có những lý do để thấy rằng các đòn trừng phạt này là vô tác dụng.
Ba lý do chứng minh các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ là vô ích ảnh 1Tàu chở dầu Starla của Iran kết nối với một kho chứa dầu của Công ty năng lượng Hàn Quốc SK ở ngoài khơi Ulasan, vùng biển Đông Nam Hàn Quốc. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, trước cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành nhiều tuần để khơi lên những lo ngại và ồn ào xung quanh mối đe dọa không quá mức nghiêm trọng từ đoàn người tị nạn.

Ông Trump khiến lực lượng chính trị ủng hộ mình phấn chấn hơn, hay theo cách nói của nhiều người là kích động họ, bằng cách miêu tả đoàn người đổ về từ một số nước Trung Mỹ là một cuộc xâm lược và trà trộn trong đó là những kẻ côn đồ mang theo dịch bệnh, hay những kẻ khủng bố “không rõ lai lịch từ Trung Đông.”

Tuy nhiên, đó không phải là câu chuyện hư cấu duy nhất mà Nhà Trắng đưa ra ở thời điểm này. Chính quyền Trump còn đang khuấy động một cơn bão về mối đe dọa khủng khiếp song phần lớn là do tưởng tượng từ Iran.

[Mỹ trừng phạt Iran: ‘Cú đòn hiểm’ đối với thị trường dầu mỏ]

Ngày 5/11, Chính quyền Trump đã áp đặt một loạt đòn trừng phạt kinh tế mới nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Đây là một sự vi phạm rõ ràng những điều khoản trong thỏa thuận ký năm 2015 nhằm thu hẹp chương trình hạt nhân của quốc gia này và kiềm chế những hoạt động liên quan trong tương lai.

Tổng thống Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - vào tháng 5/2018, trong khi Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận này.

Cách tiếp cận cứng rắn này đối với Iran được Washington cho là cần thiết. Ngày 4/11, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh Iran là một “chế độ khủng bố,” đe dọa các đồng minh của Mỹ, gây bất ổn ở Trung Đông và lạm dụng quyền của chính người dân Iran. Ông cam kết các đòn trừng phạt mà Chính quyền áp đặt với nước cộng hòa Hồi giáo này sẽ khiến tất cả mọi chuyện thay đổi.

Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy, và có những lý do để thấy rằng các đòn trừng phạt nhằm vào Iran là vô tác dụng.

Vô ích trong việc buộc Tehran thay đổi lộ trình

Trước hết, cần phải khẳng định rằng đòn trừng phạt không phải là công cụ để buộc Iran thay đổi cách hành xử của mình theo hướng tích cực hơn. Lịch sử đã chứng minh điều này.

Các đòn trừng phạt thực tế hiếm khi có thể thực sự làm thay đổi cách cư xử của đối tượng mà chúng nhắm đến theo đúng cách mà quốc gia áp đặt trừng phạt mong muốn. Nhà Trắng kỳ vọng các đòn trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế Iran kiệt quệ tới mức chế độ Tehran thiếu thốn các nguồn lực để triển khai chính sách của mình.

Tuy nhiên, Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) gần đây đã tiến hành một nghiên cứu về lịch sử các đòn trừng phạt nhằm vào Iran và kết quả cho thấy “có rất ít sự liên quan giữa những nguồn lực giúp Iran củng cố quyền lực của mình với cách cư xử của họ trong khu vực.”

Thực tế, việc siết chặt trừng phạt Iran, bao vây quốc gia này bằng các hoạt động quân sự, hay đe dọa họ... chỉ càng làm gia tăng lo ngại về nguy cơ Tehran có các biện pháp trả đũa.

Báo cáo của ICG có đoạn: “Phần lớn các hành động của nước Cộng hòa Hồi giáo này phụ thuộc vào mức độ họ cảm thấy bị đe dọa hay nhận thức được các cơ hội tại các nước láng giềng. Với thực tế này, có thể thấy chính sách cứng rắn của Chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ càng kích động sự chủ động của Iran trong khu vực, thay vì kiềm chế nó.”

Các đòn trừng phạt vốn được xem là cách để khích lệ đối tượng thay đổi. Tuy nhiên, thật khó để khích lệ Iran khi Mỹ không hề để ngỏ bất kỳ cánh cửa rút lui nào cho quốc gia này, hay nói rõ hơn là không chỉ rõ làm thế nào để Iran có thể được dỡ bỏ các đòn trừng phạt.

Nạn nhân là người dân, không phải chế độ

Các đòn trừng phạt không hiệu quả trong việc thay đổi chính sách của Iran theo hướng mà Chính quyền Trump mong muốn, song chúng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Iran. Cụ thể hơn, các đòn trừng phạt là nhằm hủy hoại nền kinh tế, đồng nghĩa với việc làm tổn thương những người dân vô tội. Nhiều người mất việc làm, thu nhập sụt giảm và lạm phát càng khiến họ khó đáp ứng được những nhu cầu căn bản nhất.

[Iran: Các biện pháp trừng phạt của Mỹ là "lố bịch và phi pháp"]

Các đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào hàng trăm ngân hàng và doanh nghiệp Iran, cản trở việc nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và nhiều nhu yếu phẩm khác. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pompeo vẫn cho rằng những đòn trừng phạt này sẽ khiến người dân Iran đồng tình và hài lòng với “thiện chí và quyết tâm” của Mỹ. Có chăng, những đau khổ mà Mỹ áp cho người dân Iran sẽ khiến họ càng thêm thù ghét với Mỹ thay vì quay lưng với chế độ tại Tehran.

Xét về ảnh hưởng của các đòn trừng phạt đối với chế độ, nếu có, sẽ chỉ là những trở lực đối với lực lượng cải cách tại Iran trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị với thế giới bên ngoài trong khi lại khích lệ những lực lượng cứng rắn, hay cụ thể là Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRG), lực lượng kiểm soát hầu hết các hoạt động buôn lậu trên thị trường chợ đen, và được hưởng lợi nhiều hơn nhờ cơ chế trừng phạt phức tạp mà Mỹ áp đặt.

Thiếu một chiến lược cụ thể

Nhiều người vẫn không rõ Chính quyền Trump muốn đạt được những gì trong chiến dịch gây áp lực tối đa với Iran. Rõ ràng, mục tiêu là không khuyến khích chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, nếu đó đúng là mục đích cuối cùng, Washington không nên rút khỏi một trong những thỏa thuận chống phổ biến vũ khí mạnh mẽ nhất từng được ký trong lịch sử. Hơn thế nữa, dù nhiều quan chức trong Chính quyền Trump thường xuyên cho rằng chính các hành động của Iran trong khu vực như hậu thuẫn các lực lượng ủy nhiệm hay can thiệp vào Syria... là cái cớ để họ triển khai một chính sách mang tính đối đầu, song hầu hết đều không tin Iran sẽ thay đổi các chính sách của mình.

Nhà Trắng nhiều lần phủ nhận chính sách của Mỹ đối với Iran là nhằm thay đổi chế độ tại Tehran. Đó là một tuyên bố đúng đắn bởi thay đổi chế độ không phải là một chức năng hợp pháp của chính sách đối ngoại. Hơn thế nữa, lịch sử từng cho thấy những nỗ lực nhằm thay đổi chế độ tại một quốc gia khác thường thất bại và dẫn tới những hệ quả cực kỳ tiêu cực.

Mục tiêu mà Mỹ không thể hiện ra bên ngoài là mong muốn gây áp lực đủ để buộc Iran phải mời Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, và tại đó, Iran đơn phương chấp nhận một thỏa thuận theo hướng mà Mỹ muốn. Tuy nhiên, Iran đã trải qua một tiến trình đàm phán kéo dài với Mỹ, và chính Mỹ đã hủy hoại kết quả mà quá trình ấy đem lại. Tehran tuân thủ luật lệ, còn Mỹ tự phá vỡ lời hứa của mình.

Thực tế là Trump không có bất kỳ chiến lược thực sự nào trong việc đối phó với Iran. Chính sách gây áp lực tối đa với nước cộng hòa Hồi giáo thực chất chỉ là sản phẩm của việc Trump muốn phủi bỏ thành quả của người tiền nhiệm, thổi phồng những đe dọa đối với Iran và hạ thấp các đồng minh của Mỹ trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục