Bắt đầu đàm phán

Bà Merkel bắt đầu đàm phán lập chính phủ với SPD

Đảng CDU/CSU của Thủ tướng Merkel đã bắt đầu đàm phán đầu tiên với đảng SPD nhằm tìm kiếm triển vọng lập chính phủ "đại liên minh."
Đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 4/10 đã bắt đầu cuộc đàm phán đầu tiên với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) nhằm tìm kiếm triển vọng thành lập một chính phủ "đại liên minh."

Cuộc gặp đánh dấu sự mở đầu cho quá trình thương lượng phức tạp có thể kéo dài đến năm 2014.

Phát biểu tại Stuttgart trước thềm cuộc đàm phán, bà Merkel tuyên bố cả châu Âu và thế giới đều dõi theo tiến trình thành lập chính phủ tại Đức và các đảng cần có trách nhiệm chung trong việc xây dựng một chính phủ ổn định. Trong tuần tới, CDU/CSU cũng sẽ có buổi tiếp xúc đầu tiên với đảng Xanh. Kế hoạch đàm phán với cả SPD và đảng Xanh của bà Merkel sẽ làm cho hai đảng này phải tính toán cạnh tranh lẫn nhau.

Nội bộ SPD hiện khá chia rẽ trong việc có nên tái lập "đại liên minh" với CDU/CSU vì sau khi kết thúc nhiệm kỳ "đại liên minh" giai đoạn 2005-2009, đảng này đã phải gánh chịu kết quả bầu cử quốc hội năm 2009 tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới II. Đối tác liên minh cũ của bà Merkel, đảng Dân chủ Tự do (FDP) cũng có chung kết quả như vậy. Sau 4 năm tham gia liên minh cầm quyền từ 2009-2013, tại cuộc bầu cử vừa qua, đảng này thậm chí còn không đạt tỷ lệ phiếu bầu tối thiểu 5% và lần đầu tiên từ năm 1949 bị loại khỏi Hạ viện liên bang.

SPD đang được coi là đối tác liên minh khả thi nhất của CDU/CSU, tuy nhiên lãnh đạo đảng này tuyên bố sẽ không nhượng bộ trong đàm phán. Tổng thư ký SPD Andrea Nahles duy trì quan điểm cứng rắn với tuyên bố khả năng SPD có tiến tới được các cuộc thương lượng chính thức hay không vẫn là một câu hỏi mở. Theo bà Nahles, các cuộc thảo luận giữa hai bên có thể kéo dài đến tháng 12/2013 hoặc tháng 1/2014 trước khi chính phủ mới được hình thành.

Cuộc đàm phán vừa diễn ra cũng nhằm kiểm tra xem những thỏa hiệp về chính sách, đặc biệt là các chính sách thuế giữa CDU/CSU và SPD có khả thi không. Trước thềm bầu cử, bà Merkel đã hứa với cử tri sẽ không tăng thuế.

Trong khi đó, đảng SPD chủ trương tăng thuế với những người có thu nhập cao nhằm bù đắp chi phí đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng. Đối với việc phân chia ghế bộ trưởng, tốn tại lớn nhất giữa hai đảng là đảng nào cũng muốn ghế Bộ trưởng Tài chính đầy quyền lực hiện do đồng minh của bà Merkel là ông Wolfgang Schaeuble  nắm giữ. Nếu các thảo luận sơ bộ này hoàn tất, 200 thành viên cao cấp của SPD trên toàn liên bang sẽ phải nhóm họp và bỏ phiếu quyết định việc đảng có tiếp tục các cuộc đàm phán chính thức về thành lập liên minh với đảng bảo thủ của bà Merkel.

Các nước EU đang theo dõi sát sao tiến trình thành lập chính phủ mới ở Berlin và lo ngại rằng những sự trì hoãn thành lập chính phủ ở Đức có thể thể làm chậm lại việc ra những quyết định quan trọng liên quan các biện pháp tài chính đối phó khủng hoảng ở châu Âu, như dự án đầy tham vọng về thành lập một liên minh ngân hàng châu Âu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục