Ngày 6/11, cử tri Mỹ tại bang Florida và Bắc Carolina tiếp tục đi bầu trong cuộc bỏ phiếu sớm.
Đây là hai trong số các bang "trung dung" được coi là mang tính quyết định đối với kết quả cuộc bầu cử.
Kết quả thăm dò dư luận đang cho thấy sự bám đuổi xít xao giữa hai ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton và Cộng hòa Donald Trump.
Trong thời điểm chỉ còn ba ngày nữa chính thức diễn ra cuộc bầu cử, hai ứng cử viên đang nỗ lực vận động tại các bang chiến địa.
Tại bang Florida, đã có hơn 5 triệu cử tri đi bầu trong cuộc bỏ phiếu sớm. Kết quả thăm dò do Real Clear Politics tiến hành cho thấy hiện bà Clinton đang dẫn trước đối thủ 1% tại bang này. Trong khi đó, tại bang Bắc Carolina, ngày 6/11 là ngày cuối cùng của đợt bỏ phiếu sớm tại đây.
Hiện cả hai ứng cử viên đều đang chạy đua để tăng thêm những điểm vận động tranh cử vào phút chót. Với ứng cử viên Clinton, sáng 6/11 (giờ Hà Nội), bà đã tiến hành vận động tại Philadelphia, và dự kiến sẽ tới Michigan, Bắc Carolina vào ngày 7/11.
Trong khi đó, danh sách di chuyển của ông Trump lại dày đặc với Florida, North Carolina, Nevada, Iowa, Minnesota, Michigan, Pennsylvania và Virginia.
Dự kiến vào đêm trước ngày bầu cử, ông Trump sẽ trở lại Florida, Bắc Carolina và Pennsylvania trước khi có mặt tại New Hampshire.
Đáng chú ý, tại sự kiện ở Reno, Nevada, ông Trump đã phải dừng phát biểu và được các đặc vụ Mỹ hộ tống vào trong khán đài do có báo cáo về một đối tượng mang súng trong đám đông người ủng hộ. Đối tượng này sau đó đã bị dẫn đi và ông Trump đã trở lại hoàn thành bài vận động tranh cử.
Trong diễn biến liên quan, đa số cử tri Mỹ, 52%, cho rằng truyền thông Mỹ thiên vị ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. Đây là kết quả điều tra mới đươc viện Gallup tiến hành ngày 27-28/10 vừa qua.
Theo Galllup, tỷ lệ cử tri Mỹ cảm thấy có sự thiên vị trong công tác truyền thông cao hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2004 giữa ông John Kerry và cựu Tổng thống George Bush. Theo đó, vào tháng 10/2004, tới 45% cử tri đăng ký cho rằng không hề có tình trạng thiên vị trong truyền thông, cao hơn 7% so với hiện nay.
Tỷ lệ cảm thấy thiên vị cũng khác biệt nhóm các cử tri, trong khi 90% những cử tri ủng hộ Trump được hỏi cho rằng truyền thông thiên vị bà Clinton thì gần 2/3 những người ủng hộ Clinton cho rằng không hề cảm thấy sự thiên vị của truyền thông đối với cả hai ứng viên.
Ngoài ra, 63% cử tri đảng Dân chủ và 52% cử tri độc lập cho rằng không có sự thiên vị trong truyền thông. Trong khi, 86% cử tri Cộng hòa cảm thấy có sự thiên vị, và 80% trong số này cho rằng truyền thông "ưu ái" ứng cử viên Clinton hơn.
Truyền thông Mỹ cũng dự báo vị tổng thống Mỹ tiếp theo dù thuộc đảng nào đều có nhiều nguy cơ phải đối mặt với các cuộc điều tra pháp lý do phe đối lập thúc đẩy.
Theo báo The Hill, nhiều thành viên đảng Cộng hòa trong tuần qua đã cảnh báo các văn kiện tố cáo sẽ được đưa ra nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Clinton đắc cử sau cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 tới. Trong khi đó, phe Dân chủ cũng sẵn sàng đưa ra những yêu cầu điều tra riêng đối với tỷ phú Donald Trump ngay khi ông thắng cử.
The Hill nhận định việc điều tra với bà Clinton sẽ chủ yếu liên quan đến vụ bê bối sử dụng tài khoản thư điện tử cá nhân để xử lý công việc khi còn đương chức Ngoại trưởng Mỹ của bà. Trong khi đó, đảng Dân chủ lại có kế hoạch nhắm vào các vụ kiện tụng vốn có liên quan đến công việc kinh doanh của ông Trump.
Theo The Hill, đảng Dân chủ sẽ sử dụng các cuộc điều trần không chính thức, các cuộc họp báo hay những cách khác để gây chú ý trong bối cảnh đảng Cộng hòa đang nắm cả hai viện Quốc hội.
The Hill dẫn lời một cựu thành viên cấp cao của phe Dân chủ tại Hạ viện khẳng định không khí căng thẳng trong chính trường Mỹ sẽ không thay đổi vào ngày 9/11./.