Ngày 30/3, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã chủ trì cuộc họp Tổ lãnh đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh quý 1/2023.
Báo cáo tại cuộc họp, bà Trần Thụy Cẩm Lệ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tổng vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là hơn 15.570 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 1.618 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh là hơn 8.552 tỷ đồng; gồm vốn ngân sách cấp huyện 4.149 tỷ đồng và vốn dự kiến phân bổ tiếp trong năm là 1.250 tỷ đồng. Tới nay đã phân bổ hơn 14.320 tỷ đồng cho các chủ đầu tư, đạt 91,97%.
Tính đến ngày 29/3, lũy kế thanh toán tất cả các nguồn vốn dự án cả trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh là hơn 2.044 tỷ đồng, đạt 14,28% so với kế hoạch giao, cao hơn tỷ lệ giải ngân hết tháng 3/2023 theo cam kết của các chủ đầu tư 13,96%.
Một số chủ đầu tư có vốn lớn trên 100 tỷ đồng có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh như Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép Thị Vải (32,61%), Ủy ban Nhân dân huyện Châu Đức (30,28%), Tòa án nhân dân tỉnh (30,06%), Ủy ban Nhân dân huyện Đất Đỏ (20,22%)...
Trong số đó, lũy kế thanh toán đối với các dự án nguồn vốn từ Trung ương là gần 672 tỷ đồng, đạt 41,48% so với kế hoạch giao. Tuy nhiên, đối với lũy kế thanh toán đối với các dự án nguồn vốn của tỉnh từ đầu năm đến nay lại khá thấp.
[Bộ GTVT đặt mục tiêu giải ngân khoảng 7.800 tỷ đồng trong tháng Ba]
Cụ thể, lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm tới nay là hơn 828 tỷ đồng, đạt 7,69% so với kế hoạch giao (hơn 828 tỷ đồng/gần 8.553 tỷ đồng) và thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2022 (12,16%).
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư của tỉnh trong quý I/2023 còn khá thấp là do, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng; trong đó, một số dự án còn có vướng mắc về quy định đất đai, Luật chưa thống nhất, việc xác định giá đất.
Bên cạnh đó, do có sự chênh lệch giữa giá đất do Nhà nước thu hồi với giá đất các khu đất dẫn tới việc chưa thỏa thuận được việc bồi thường... Khó khăn về hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và hồ sơ pháp lý dự án; Khó khăn về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Các cấp có thẩm quyền và chủ đầu tư chưa quyết liệt, chủ động, tích cực, sát sao, cụ thể, thực sự vào cuộc thực chất hơn và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả.
Cùng với đó, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ theo tiến độ và kế hoạch triển khai dự án dẫn đến không xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh...
Trước những khó khăn trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Ngọc Khánh đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc ký cam kết tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Phó chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư kiện toàn lại Tổ lãnh đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, đôn đốc, theo dõi, hỗ trợ thúc đẩy các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án. Về bồi thường, các chủ đầu tư phối hợp các địa phương bám sát các văn bản quy định, quyết định của Ủy ban Nhân dân để nhanh chóng triển khai thực hiện dự án./.