Thời điểm này, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu nuôi gà để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2021.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, dịch tả lợn châu Phi (người nuôi chuyển qua nuôi gà, tăng đàn nhiều), khiến giá gà xuống thấp và khó tiêu thụ; việc tái đàn của nông dân vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau dịch tả lợn châu Phi, hàng loạt hộ nuôi lợn nhỏ lẻ đã bỏ nghề chuyển sang nuôi gà ta thả vườn, một số hộ nuôi gà lâu năm cũng tăng số lượng nuôi.
Việc ồ ạt tăng đàn vào thời điểm đầu năm khiến nguồn cung tăng cao, trong khi thị trường tiêu thụ lại chậm hơn nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Hiện, giá gà bán tại chuồng đang chỉ từ 35-45 nghìn đồng/kg, thấp hơn so với giá thành cùng kỳ năm trước khoảng 13-20 nghìn đồng/kg. Với giá bán thời điểm này thì người chăn nuôi chắc chắn sẽ thua lỗ nặng.
Năm nào cũng vậy, cứ tới thời điểm giữa tháng 10 âm lịch, ông Nguyễn Văn Long, trú tại ấp Đức Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức lại bắt tay vào chuẩn bị vụ nuôi gà để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Năm ngoái, gia đình ông đầu tư 6.000 con gà giống Minh Dư để phục vụ thị trường Tết, với giá bán giao động từ 65-75 nghìn đồng/kg, gia đình ông thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, giá gà liên tục giảm mạnh, thị trường tiêu thụ chậm nên vụ Tết năm nay, ông Long chỉ đầu tư nuôi khoảng 2.000 con - bằng 1/3 so với năm ngoái.
[Bộ Công Thương lên kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm]
Theo ông Long, 3 tháng trở lại đây, giá gà chỉ duy trì với mức giá từ 35-45 nghìn đồng/kg, bằng 50% so với giá thời điểm này năm ngoái, với mức giá này, mỗi lứa gà 1.000 con ông Long đang lỗ khoảng 15 triệu đồng. Với tình hình này khiến ông rất lo lắng về thị trường tiêu thụ gà Tết sắp tới.
Tương tự, chị Lê Thị Cẩm Duyên, trú tại xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc cũng đang rất lo lắng cho lứa gà phục vụ thị trường Tết năm nay, bởi liên tục từ đầu năm đến nay, giá gà nhiều lần giảm mạnh.
Cụ thể, 2 lần xuất bán lứa gà mới đây, khoảng 2.500 con, chị Duyên đã lỗ gần 200 triệu đồng. Chính vì vậy, mặc dù gà Tết đã bắt đầu mua giống về nuôi nhưng chị Duyên vẫn trong tình trạng e ngại về giá cả, đầu ra cho thị trường gà Tết.
Còn hộ ông Nguyễn Minh Lý, trú tại ấp 1 - xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, chuyển sang nuôi gà ta thảo dược từ 3 năm nay. Với phương thức nuôi an toàn, chất lượng thịt thơm ngon, nên thời gian qua gà nuôi thảo dược của ông được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, vụ gà Tết năm ngoái, hơn 2.500 con gà thảo dược đã được bán hết khi mới 25/12 âm lịch. Với giá bán khoảng 70-80 nghìn đồng/kg, gia đình ông lãi gần 120 triệu đồng.
Mặc dù vậy, vụ Tết năm nay, ông Lý vẫn khá dè dặt trong việc tăng đàn.
Ông Lý cho biết thêm, ban đầu ông dự định sẽ đầu tư trên 4.000 con gà phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thị trường có nhiều diễn biến khó dự đoán, trong khi để nuôi gà thảo dược đạt chuẩn, phải mất thời gian nuôi khoảng 7 tháng, do đó các khoản chi phí cũng tăng lên đáng kể; nên ông quyết định chỉ đầu tư khoảng 3.000 con.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh vào khoảng 6,1 triệu con, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đàn gà chiếm khoảng 3,5 triệu con.
Số lượng thịt gà dự kiến cung cấp phục vụ cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tới khoảng 3.600 tấn.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho biết, vào dịp cuối năm, để phục vụ thị trường Tết, số lượng gà nuôi sẽ còn tăng lên, do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu để có phương án phù hợp.
Đồng thời, cần tăng cường phòng chống dịch như: tiêm vắc xin cho gia cầm, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia cầm./.