Ba vấn đề rút ra từ chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Vào những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Nhà Trắng đã công bố một tài liệu an ninh quốc gia quan trọng mà họ đã giải mật vào đầu tháng Một, sớm hơn 20 năm so với kế hoạch ban đầu.
Ba vấn đề rút ra từ chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo trang mạng thediplomat.com, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục rải những “trái bom” ngoại giao trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ.

Sau thông báo rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ tất cả các "biện pháp hạn chế tự áp đặt" trong quan hệ với Đài Loan, Nhà Trắng đã công bố một tài liệu an ninh quốc gia quan trọng mà họ đã giải mật ngày 5/1.

Ban đầu, tài liệu này được ấn định sẽ được “giải mật” vào ngày 31/12/2042. Mặc dù bản thân hành động này là cực kỳ bất thường, nhưng nó phù hợp với một mô hình mới trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump, theo đó để thể hiện rằng Trung Quốc và Iran là những mối đe dọa chính đối với Mỹ.

Theo tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien, “Khung chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (SFIP), một sản phẩm của Hội đồng An ninh Quốc gia, đã được phê duyệt vào tháng 2/2018 và “cung cấp hướng dẫn chiến lược tổng thể để thực hiện Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 trong khu vực kinh tế năng động và đông dân nhất thế giới này."

Dưới đây là 3 điều chính có thể rút ra sau khi so sánh SFIP với Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPSR) do Bộ Quốc phòng công bố hồi tháng 6/2019:

Nga thực sự là thách thức đối với Mỹ?

IPSR năm 2019 xác định Nga là 1 trong 4 thách thức chính đối với Mỹ - bên cạnh Trung Quốc, Triều Tiên và “các thách thức xuyên quốc gia."

Văn bản này lưu ý: “Mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm do các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm, nhưng Nga vẫn tiếp tục hiện đại hóa quân đội và ưu tiên các khả năng chiến lược - bao gồm lực lượng hạt nhân, hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) và mở rộng đào tạo sử dụng máy bay tầm xa - trong một nỗ lực nhằm thiết lập lại sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Tuy nhiên, SFIP năm 2018 tuyên bố rõ rằng “Nga sẽ vẫn là một nhân tố không mấy quan trọng so với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ." Như vậy, Nga được coi là một mối đe dọa trong tài liệu công khai nhưng không phải trong tài liệu tuyệt mật?

Năm 2019, khi một quan chức cấp cao của chính quyền ông Trump trong một cuộc họp kín tại Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi được hỏi rằng tại sao IPSR không có đóng dấu của Bộ Ngoại giao, ông đã khẳng định chắc chắn rằng nó được liên ngành xem xét. Tuy nhiên, khi xem xét tài liệu đã giải mật, khẳng định đó là một điều đặc biệt gây tò mò.

Vị trí của Ấn Độ

Điểm khác biệt thứ 2 giữa hai tài liệu là vị trí của Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Trong IPSR năm 2019, các đồng minh hiệp ước - chẳng hạn như Hàn Quốc - được đặt ở vị trí đứng đầu và trung tâm, còn Ấn Độ được xếp vào cùng các cường quốc Nam Á nhỏ hơn khác dưới tiêu đề "Mở rộng quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương."

Tuy nhiên, trong SFIP năm 2018 - và để phù hợp hơn với Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 - vai trò của Ấn Độ được tăng cường. Điều thú vị là văn bản này nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp hỗ trợ cho Ấn Độ thông qua “các kênh ngoại giao, quân sự và tình báo để giúp giải quyết các thách thức trong châu lục, như tranh chấp biên giới với Trung Quốc..."

Tuyên bố này phù hợp với những gì đã được biết đến trong giới hoạch định chiến lược của Ấn Độ - và trong những tuyên bố của đại sứ Mỹ tại Ấn Độ sắp mãn nhiệm Kenneth Juster hôm 5/1, vô tình trùng với ngày ông O'Brien giải mật SFIP.

Tuy nhiên, những nội dung đề cập đến việc duy trì “vị thế chiến lược hàng đầu của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (mà SFIP cho là có liên quan đến vị trí của Mỹ trên toàn cầu) có thể sẽ khiến một số nhân vật ở New Delhi chú ý bởi chính phủ Modi không ngừng nhắc nhở rằng Ấn Độ luôn ủng hộ một “châu Á đa cực trong một thế giới đa cực."

[Nhìn lại một năm nhiều biến động và chia rẽ của nước Mỹ]

Sự mâu thuẫn này càng trở nên rõ ràng hơn khi xét tới thực tế rằng SFIP đề cập đến việc điều chỉnh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ với chiến lược của Ấn Độ. Ông Modi đã nhiều lần nói rõ rằng tầm nhìn của ông đối với khu vực là “bao trùm” và không “nhắm vào bất kỳ ai." Hiện khó có khả năng ông sẽ ủng hộ một dự án để duy trì vị trí ưu thế của Mỹ trong khu vực.

Vấn đề Mông Cổ

Mông Cổ đã có một vị trí “đáng tự hào” trong IPSR năm 2019, với việc tài liệu này dành 221 từ cho Mông Cổ. Tài liệu nhấn mạnh:“Mỹ và Mông Cổ chia sẻ tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bảo vệ chủ quyền và ngăn chặn tình trạng cưỡng bức đối với tất cả các nước.

Hợp tác khu vực của Mông Cổ và sự ủng hộ của nước này đối với các thể chế đa phương đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đóng vai trò như một nhân tố đảm bảo ổn định trong khu vực”. Mông Cổ được đề cập chính xác một lần trong SFIP năm 2018; nhưng vẫn “khá” hơn Nepal bởi nước này hoàn toàn không được đề cập (không giống như trong IPSR năm 2019)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục