Nhìn lại một năm nhiều biến động và chia rẽ của nước Mỹ

Hàn gắn và đoàn kết nước Mỹ để đối phó với thách thức, trước hết là đại dịch COVID-19, trở thành trọng trách nặng nề của vị tổng thống thứ 46 sẽ nhậm chức ngày 20/1 tới.
Nhìn lại một năm nhiều biến động và chia rẽ của nước Mỹ ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 14/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Năm 2020 đi vào lịch sử nước Mỹ với những dấu mốc, sự kiện đặc biệt có lẽ còn ảm ảnh người dân Mỹ trong nhiều năm tiếp theo. Đây là năm ghi dấu cường quốc hàng đầu thế giới phải đối mặt với những khó khăn và thách thức chưa từng có khi cùng lúc xảy ra 3 cuộc khủng hoảng về sức khỏe, kinh tế và sắc tộc.

Trên hết, năm 2020 chứng kiến cuộc đua vào Nhà Trắng được đánh giá có nhiều điều bất thường và gây tranh cãi nhất trong lịch sử Mỹ.

Có thể nói những biến động mà nước Mỹ trải qua trong năm 2020 đang làm sâu sắc thêm sự phân cực chính trị cũng như những chia rẽ khó có thể hòa giải trên chính trường và trong xã hội, vốn thể hiện rõ qua những cuộc tranh cãi chưa bao giờ dứt giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong một loạt vấn đề đối nội như nhập cư, phân biệt chủng tộc, súng đạn, các dự luật cứu trợ hay đối ngoại như Trung Quốc, Iran...

Biến động đầu tiên song có ảnh hưởng bao trùm suốt cả năm là sự xuất hiện của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ít ai ngờ rằng Mỹ lại trở thành nước chịu thiệt hại nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, đứng đầu thế giới cả về số ca mắc lẫn số ca tử vong.

Ngay cả những ngày cuối năm này, nước Mỹ vẫn chao đảo vì COVID-19 với trên 230.000 ca nhiễm mới và gần 3.000 ca tử vong mỗi ngày.

Chính cách thức xử lý đại dịch là vấn đề gây tranh cãi lớn nhất và khiến Tổng thống Donald Trump mất điểm nhiều nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Những đánh giá ban đầu coi nhẹ mức độ nguy hiểm của đại dịch cũng như sự không kiên quyết trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa đã khiến nước Mỹ phải trả giá đắt. Tới nay, số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã vượt 17 triệu người, trong đó có hơn 311.000 trường hợp tử vong.

Không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng về sức khỏe, đại dịch còn đẩy nước Mỹ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước, chủ yếu do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội như đóng cửa tất cả các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Nhìn lại một năm nhiều biến động và chia rẽ của nước Mỹ ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 10/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại dịch hầu như đã xóa sạch những thành quả kinh tế ấn tượng mà Tổng thống Trump đạt được trong nhiệm kỳ này. Từ một nền kinh tế hưng thịnh với tốc độ tăng trưởng cao, tạo ra nhiều việc làm và tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong vòng 50 qua, nước Mỹ phải chứng kiến sự sụt giảm kỷ lục về tăng trưởng, chi tiêu người tiêu dùng giảm mạnh và số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao nhất từ trước tới nay.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump cũng như quốc hội đã đưa ra hàng loạt gói cứu trợ, nhưng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế khởi sắc trở lại. Trong khi đó, làn sóng dịch COVID-19 tái bùng phát vào cuối năm khiến nhiều bang phải áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội và điều này được dự báo sẽ khiến nền kinh tế đầu tàu thế giới khó có thể phục hồi trong một vài năm tiếp theo.

Nước Mỹ còn chìm trong làn sóng biểu tình quy mô lớn diễn ra trong một thời gian dài trên hầu hết các thành phố lớn nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc và tình trạng đối xử không công bằng của các nhân viên thực thi pháp luật nhằm vào người da màu. Nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn, đốt phá, đụng độ.

Trong khi đó, quan điểm cứng rắn của Tổng thống Trump, sẵn sàng triển khai quân đội và kêu gọi thống đốc các bang phải có biện pháp mạnh tay trấn áp để ngăn chặn bạo lực bùng nổ lan rộng, cũng gây tranh cãi và không nhận được sự ủng hộ.

Trong lĩnh vực đối ngoại, nhiều chính sách của ông Trump đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đảng Dân chủ do lo ngại sẽ ảnh hưởng tới vấn đề an ninh, kinh tế và vị thế siêu cường của Washington, như vấn đề Triều Tiên, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và các nước đồng minh của Mỹ, quan hệ giữa Washington với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Iran.

Điển hình nhất là chính sách của Tổng thống Trump về Trung Đông đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Đối với Iran, các nhà lập pháp đảng Dân chủ đã chỉ trích gay gắt mệnh lệnh của Tổng thống Trump tấn công sân bay quốc tế ở thủ đô Iraq khiến Tướng Iran Qassem Soleimani thiệt mạng hồi đầu đầu năm nay.

Họ phê phán đây là hành động thiếu thận trọng và không tham vấn quốc hội, đồng thời cảnh báo về sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng khi Iran có thể trả đũa nhằm vào các lực lượng và đồng minh của Mỹ.

Mặc dù Tổng thống Trump đang thể hiện vai trò trung gian thúc đẩy Israel bình thường hóa quan hệ với các nước Arab, song không ít ý kiến cho rằng "kế hoạch hòa bình Trung Đông" mà Washington đang thực hiện không đem lại sự ổn định cho khu vực bởi không đếm xỉa tới lợi ích của Palestine.

Quyết định mới đây nhất về việc rút binh lính Mỹ tại Afghanistan, Iraq hay Somalia để thực hiện cam kết đưa Washington thoát khỏi các cuộc chiến bất tận, hao người tốn của còn không nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên đảng Cộng hòa và các quan chức quân đội, bởi họ cho rằng điều này sẽ khiến an ninh quốc gia và sự an toàn của công dân Mỹ trên khắp thế giới bị đe dọa, đồng thời sẽ làm tổn thương các đồng minh của Mỹ.

Cách tiếp cận của Tổng thống Trump trong việc xử lý các vấn đề với Trung Quốc cũng bị đảng Dân chủ chỉ trích là không có sự hợp tác với các đồng minh thân cận.

[Bầu cử Tổng thống Mỹ: Chiến thắng khó đảo ngược của ông Joe Biden]

Trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), đồng minh chủ chốt của Mỹ bên kia bờ Đại Tây Dương, quyết định cắt giảm số binh sỹ Mỹ đồn trú ở Đức bị đảng Dân chủ kịch liệt phản đối với lý do điều này có thể ảnh hưởng tới lợi ích an ninh quốc gia Mỹ và làm suy yếu các liên minh với châu Âu hoặc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thậm chí còn bị cho là vi phạm thỏa thuận giữa NATO với Nga năm 1997.

Quan hệ Mỹ-Nga cũng không có dấu hiệu hạ nhiệt khi chính quyền Tổng thống Trump chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở đã tồn tại suốt 18 năm qua. Trong nhiều thập niên qua, Hiệp ước Bầu trời mở là một trong những cơ chế quan trọng duy trì nền tảng an ninh châu Âu, bảo đảm những lợi ích an ninh cốt lõi cho các đồng minh của Mỹ ở châu lục này.

Ngay cả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 cũng đang khiến nước Mỹ dường như "bị chia đôi" mặc dù cử tri đoàn ngày 14/12 đã chính thức xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Những tranh cãi, căng thẳng ngay trong quá trình tranh cử và đi bỏ phiếu cũng như cuộc chiến pháp lý mà phe Tổng thống Trump phát động sau ngày bầu cử 3/11 nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tại nhiều bang càng khoét sâu sự chia rẽ, bất đồng trên chính trường và xã hội Mỹ.

Nhìn lại một năm nhiều biến động và chia rẽ của nước Mỹ ảnh 3Cử tri đoàn Bobbie Walton ký xác nhận lá phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ tại phiên bỏ phiếu của các đại cử tri ở Lansing, bang Michigan ngày 14/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàn gắn và đoàn kết nước Mỹ để đối phó với thách thức, trước hết là đại dịch COVID-19, trở thành trọng trách nặng nề của vị tổng thống thứ 46 sẽ nhậm chức ngày 20/1 tới.

Đi qua một năm nhiều biến động, có thể thấy rằng nếu như năm 2016, người dân Mỹ cần một nhân tố tạo nên sự thay đổi thì năm 2020, sau những cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, có lẽ điều quan trọng hàng đầu đối với người dân quốc gia này hiện nay là một nhân tố giữ ổn định và đưa nước Mỹ trở lại với những giá trị truyền thống. Điều đó sẽ định hình nước Mỹ của năm 2021, khi một chính quyền mới đi vào hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục