Áp lực lớn đối với ông Joe Biden trong quá trình lựa chọn nội các

Với nhận thức chính các cử tri da đen đã góp phần quyết định vào chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã cam kết sẽ lựa chọn một nội các "đa dạng nhất" trong lịch sử nước Mỹ.
Áp lực lớn đối với ông Joe Biden trong quá trình lựa chọn nội các ảnh 1Ông Joe Biden. (Nguồn: IRNA/TTXVN)

Theo hãng AFP/asiatimes.com, với nhận thức rằng chính các cử tri da đen đã góp phần quyết định vào chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, ông Joe Biden đã cam kết sẽ lựa chọn một nội các "đa dạng nhất" trong lịch sử nước Mỹ.

Trên thực tế, ở hậu trường, các nhóm người Mỹ gốc Phi đang tìm cách thúc đẩy ông tôn trọng cam kết đó qua việc bổ nhiệm những người thuộc cộng đồng thiểu số vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền.

Trong bài phát biểu chiến thắng vào ngày 7/11, ông Biden tuyên bố: "Cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã đứng lên ủng hộ tôi một lần nữa, khi mà chiến dịch tranh cử đang ở thời điểm khó khăn nhất. Các bạn đã luôn ủng hộ tôi, và tôi sẽ ủng hộ các bạn."

Ông Biden cũng hứa rằng chính quyền của ông sẽ "đa dạng giống như nước Mỹ." Khi ông Biden đang bận rộn với việc ra quyết định lựa chọn nhiều chức vụ trong nội các, ngày 8/12, mục sư Al Sharpton - một nhà lãnh đạo dân quyền nổi tiếng của Mỹ - đã nhắc lại tuyên bố hùng hồn đó và nói: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng ông Biden sẽ thực hiện những lời hứa của mình."

Ông Sharpton và đại diện của các tổ chức người Mỹ gốc Phi khác đã xuất hiện trước giới truyền thông sau cuộc họp kéo dài gần 2 giờ với ông Biden và bà Kamala Harris.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến, ông Marc Morial, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Thành thị Quốc gia (NUL), cho biết ông Biden đã tái khẳng định "cam kết lịch sử của mình đối với vấn đề công bằng chủng tộc."

Ông nói: "Chúng tôi nhấn mạnh rằng công việc của chúng tôi với tư cách là những nhà lãnh đạo dân quyền bao gồm giúp đỡ ông ấy và buộc ông ấy phải thực hiện những cam kết đã đưa ra," đồng thời cho biết thêm rằng trong quá trình thảo luận, ông Biden đã chấp nhận những đề nghị này.

Quyết định của ông Biden về những nhân vật đã được đề cử, những người mà cũng sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2021 như ông Biden, sẽ cơ bản phản ánh lời hứa đó. Điều đó có lẽ được thể hiện rõ nét nhất hôm 8/12, khi ông Biden đề cử tướng Lục quân đã nghỉ hưu Lloyd Austin, 67 tuổi, làm bộ trưởng quốc phòng tiếp theo của nước Mỹ.

[Ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống đắc cử Mỹ]

Việc ông Austin được lựa chọn vào vị trí này ngoài mục đích “đa dạng hóa nội các” còn cho thấy ông Biden quyết tâm định hình một chiến lược quốc phòng mới theo hướng củng cố quan hệ với các nước đồng minh, đối tác khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc, đồng thời lựa chọn cách tiếp cận ít đối đầu với Trung Quốc hơn. Nếu được Thượng viện phê chuẩn, ông Austin sẽ trở thành nhà lãnh đạo da đen đầu tiên của Lầu Năm Góc.

Một số thành viên nội các đã được chọn cũng đã cho thấy ông Biden thực hiện lời hứa của mình. Bà Janet Yellen sẽ là người phụ nữ đầu tiên làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ; ông Xavier Becerra sẽ là Bộ trưởng Y tế gốc Mỹ Latinh đầu tiên; ông Alejandro Mayorkas sẽ là lãnh đạo gốc Mỹ Latinh đầu tiên của Bộ An ninh Nội địa và bà Cecilia Rouse sẽ trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế.

Ông Biden cũng bổ nhiệm bà Linda Thomas-Greenfield, một nhà ngoại giao da đen dày dạn kinh nghiệm, làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. Và tất nhiên là không thể không kể đến bà Kamala Harris, nhân vật đứng đầu trong số các lựa chọn của ông Biden, sẽ trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên và là người gốc Ấn Độ đầu tiên giữ chức phó tổng thống.

Những lời cảnh báo

Trả lời phỏng vấn của hãng AFP, Giáo sư Jordan Tama của trường Đại học Mỹ nói: "Có vẻ như đây sẽ là một nội các đa dạng nhất trong lịch sử nước Mỹ," theo đó các ứng cử viên là người thiểu số đang nắm giữ các vị trí quan trọng, trong đó vị trí Bộ trưởng Quốc phòng "có lẽ là vị trí nội các quan trọng nhất" do Lầu Năm Góc là cơ quan có ngân sách lớn và tầm ảnh hưởng rộng.

Theo ông Tama, sự tương phản giữa chính quyền của ông Biden với chính quyền Tổng thống Donald Trump là "khá rõ nét". Ông cho rằng nội các của Tổng thống Trump "thực sự không đại diện cho nước Mỹ," không chỉ về sự đa dạng chủng tộc mà còn về nền tảng chuyên môn, trong đó tỷ lệ các nhà lãnh đạo thuộc giới doanh nhân là quá cao.

Sau khi vị trí đề cử của ông Austin được công bố, ông Morial đã nói rằng những lựa chọn nhân sự của ông Biden cho đến nay là "những bước đi tích cực và đúng hướng, song vẫn cần có những vị trí bổ nhiệm quan trọng hơn."

Đúng thời điểm đó, ngày 10/12, ông Biden đã công bố thêm 2 lựa chọn mới: bà Susan Rice, một trong những phụ nữ da đen nổi tiếng nhất trong chính trường Mỹ, được bổ nhiệm làm Giám đốc Hội đồng Chính sách Đối nội của Nhà Trắng, trong khi Hạ nghị sỹ Marcia Fudge có quan điểm cấp tiến được đề cử làm Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển đô thị.

Tất cả mọi sự chú ý đang đổ dồn vào một trong những vị trí nội các quan trọng cuối cùng là bộ trưởng tư pháp. Vị trí này cũng đã được đề cập trong cuộc họp của ông Biden ngày 8/12 vừa qua. Ông Sharpton cho biết ông đã trực tiếp đề nghị ông Biden đề cử một người da đen vào vị trí bộ trưởng tư pháp, nếu không thì "cũng nên bổ nhiệm một người có thành tích cụ thể trong lĩnh vực dân quyền."

Những nghi ngại liên quan đến ông Austin

Giáo sư Kyle Kondik của trường Đại học Virginia cho rằng những lựa chọn nhân sự thân cận của ông Biden "phần lớn là không gây tranh cãi." Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Bà Neera Tanden, người phụ nữ gốc Ấn Độ đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB), đang gặp phải sự phản ứng gay gắt từ các thành viên đảng viên Cộng hòa cũng như một số nhân vật cấp tiến trong đảng Dân chủ.

Và sau đó ông Austin cũng gặp phải sự phản đối. Để ngồi vào được vị trí cao nhất trong Lầu Năm Góc, ông Austin sẽ cần phải nhận được sự miễn trừ của Quốc hội vì luật pháp Mỹ cấm các cựu quân nhân trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trừ khi họ đã ra khỏi quân đội được 7 năm.

Tới nay, Quốc hội Mỹ mới chỉ thực hiện miễn trừ hai lần vào các năm 1950 và 2016. Một số thành viên của đảng Dân chủ đã tuyên bố rằng họ sẽ không ủng hộ việc miễn trừ cho ông Austin, cũng giống như họ đã không ủng hộ ông Jim Mattis khi ông vận động và nhận được sự miễn trừ này vào thời điểm 4 năm trước.

Ngày 8/12 vừa qua, ông Sharpton đã bày tỏ sự phẫn nộ khi đề cập đến kịch bản ông Austin không nhận được sự miễn trừ. Vị mục sư này nói: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận tiếp điều này xảy ra với ông Austin sau khi họ đã thực hiện điều đó hai lần rồi"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục