Ba yếu tố khiến chất lượng giáo dục đại học bất cập

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Trọng Thi nhấn mạnh về ba yếu tố dẫn đến chất lượng giáo dục đại học hiện nay còn nhiều bất cập.
Ngày 7/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12 làm việc ở hội trường với nội dung thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Bên hành lang kỳ họp, trả lời phỏng vấn của Vietnam+, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nhấn mạnh về ba yếu tố dẫn đến chất lượng giáo dục đại học hiện nay còn nhiều bất cập.

Theo ông, khắc phục việc sinh viên học chay, kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội thì sẽ tạo được chuyển biến về chất lượng công tác giáo dục đại học.

- Giáo sư có thể cho biết những vấn đề gì cần lưu ý về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học trong tình hình hiện nay?

Giáo sư Đào Trọng Thi: Có lẽ vấn đề nhân dân quan tâm nhất và đại biểu Quốc hội cũng quan tâm nhất chính là vấn đề chất lượng giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập. Và để đánh giá có tính định lượng và có sự so sánh, đối chiếu các quy định của nhà nước thì chủ đề mà Quốc hội đề cập là đánh giá việc đảm bảo chất lượng giáo dục thông qua các điều kiện cụ thể.

Bên cạnh kết quả đạt được như đã trình bày trong báo cáo, chúng tôi muốn lưu ý đến một số bất cập hiện nay. Về các yếu tố đảm bảo chất lượng giáo dục thì có nhiều nhưng tôi muốn lưu ý đến ba yếu tố chính, cũng là những yếu kém cần phải khắc phục.

Thứ nhất là đội ngũ cán bộ, giảng viên, hiện nay có thể nói cả về chất lượng và số lượng, rồi cơ cấu ngành nghề đều không đáp ứng yêu cầu phát triển rất nhanh của quy mô đào tạo. Sau 13 năm, số sinh viên tăng lên những 13 lần nhưng số lượng giảng viên chỉ tăng lên có ba lần, làm cho tỷ lệ cán bộ, giảng viên trên số lượng sinh viên lên đến 28 sinh viên/người và có những trường đại học con số này lên đến 40 hoặc hơn.

Trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên cũng cần phải được quan tâm vì đa số mới đạt trình độ tốt nghiệp đại học. Tỷ lệ có trình độ cao học và tiến sĩ chiếm số ít. So với những chỉ tiêu đề ra thì nó còn khoảng cách quá xa.

Thứ hai là về cơ sở vật chất, trang thiết bị thì cũng phải nói trong những năm qua, nhờ thành quả của công cuộc đổi mới, sự quan tâm đầu tư của nhà nước và xã hội thì cũng đã được cải thiện nhiều. Đa số trường được xây dựng với cơ sở khá khang trang nhưng trang thiết bị trong đó để phục vụ cho việc đào tạo vẫn còn yếu kém.

Điều này dẫn tới tình trạng sinh viên của chúng ta vẫn còn đang phải "học chay" nhiều. Nó dẫn đến mặt yếu của chất lượng đào tạo mà hiện nay chúng ta vẫn đang đề cập đến là sinh viên ra trường chưa đáp ứng được ngay yêu cầu công tác, không tiếp cận được ngay với công việc, bỡ ngỡ với những thiết bị máy móc tiên tiến. Bởi lẽ, thiết bị nhà trường dạy lạc hậu hơn so với thiết bị của cơ sở sản xuất kinh doanh. Theo tôi, đáng nhẽ nó phải ngược lại mới đúng. Nguyên nhân một phần là đầu tư còn dàn trải, không hiệu quả.

Thứ ba, tôi muốn nhấn mạnh một điểm mà ta ít chú ý đến, đó là suất đầu tư cho một sinh viên. Cách đây khoảng dăm bảy năm, việc cấp kinh phí cho các trường công lập là theo đầu sinh viên. Mỗi đầu sinh viên lúc đó, tính theo mức cao nhất là khoảng 6 triệu đồng/người. Nhưng sau đó, chính chúng ta lại cho phép các nhà trường tuyển số lượng sinh viên vượt chỉ tiêu sinh viên mà có kinh phí.

Trên thực tế, số tiền cấp cho một đầu sinh viên phải bị san sẻ ra và hiện chỉ đạt từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/người. Tôi chưa nói đến giá trị đồng tiền sau dăm bảy năm qua bị giảm và nếu chỉ nói đến con số thì đã mất đi một nửa rồi. Điều đó dẫn đến việc kinh phí dành cho giáo dục đại học chỉ đủ để chi trả tiền lương và chi một số kinh phí thường xuyên như điện, nước..., không còn bao nhiêu để chi phục vụ cho công tác chuyên môn.

Đã đến lúc chúng ta phải có được sự đổi mới triệt để và mạnh mẽ vấn đề này theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời tăng cường trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành đối với các cơ sở giáo dục thuộc lĩnh vực ngành nghề phụ trách để làm sao việc đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển của xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đại học nhưng không nên can thiệp quá sâu vào những việc cụ thể của cơ sở giáo dục đại học. Tôi cho rằng, với việc đổi mới công tác quản lý, khắc phục những bất cập đã phát hiện thấy nguyên nhân thì sẽ tạo được chuyển biến bước đầu về chất lượng công tác giáo dục đại học.

- Hiện nay có hiện tượng một nhà trường mở cơ sở ở nhiều nơi, gây khó khăn cho công tác quản lý về một mối, thưa Giáo sư?

Giáo sư Đào Trọng Thi: Nguyên nhân là do chạy theo quy mô mà quên mất quy mô ấy phải phù hợp với năng lực đào tạo thông qua điều kiện đảm bảo chất lượng. Nếu như trường nào đó chỉ có thể đào tạo được 1.000 sinh viên thôi mà lại đăng ký chỉ tiêu 2.000 hoặc hơn, đương nhiên là phải chia sẻ nguồn lực. Nếu so với định mức đề ra thì nó không phù hợp.

- Thời gian gần đây, sinh viên ra trường rất ít em có việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo. Và đang có xu hướng là các em nếu không xin được việc làm ngay thì đành chọn giải pháp đi học tiếp cao học để lấp chỗ trống, theo giáo sư cần phải hiểu điều này như thế nào?

Giáo sư Đào Trọng Thi: Sinh viên đào tạo ra chưa đáp ứng được nhu cầu thì có một số lý do. Thứ nhất là quy hoạch phát triển đào tạo đại học, chương trình đào tạo hiện nay là chưa hợp lý. Việc lựa chọn quy mô, từng ngành nghề, từng vùng miền, từng địa phương cũng vậy, dẫn đến việc đội ngũ nhân lực ra trường không phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động.

Có hiện tượng sinh viên ra trường, nếu được nhận vào làm thì nhiều trường hợp được cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng vào công việc khác hoặc người ta phải đào tạo lại.

Cũng phải nói đến phía người sử dụng lao động, họ có một phần trách nhiệm vì chưa tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Theo tôi, họ phải là người đặt hàng, thậm chí phải tham gia cung cấp nguồn lực để phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho họ. Nó kinh tế hơn rất nhiều so với việc họ tuyển người vào rồi chính họ phải đi đào tạo lại. Cần phải gắn cơ sở đào tạo với người sử dụng lao động.

Sinh viên ra trường muốn đi làm nhưng chưa được vì không đáp ứng được yêu cầu. Trong lúc chưa tìm được việc mà nếu có điều kiện đi học lên trên để nâng cao trình độ thì theo tôi, điều đó là tốt thôi.

- Xin cảm ơn Giáo sư./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục