Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự với ý đồ gì?

Tờ Điện tín của Anh cho rằng ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc đã thể hiện rõ quan điểm tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự thời gian tới.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chững lại, song ngân sách quốc phòng tài khóa 2013 của Trung Quốc vẫn tăng. Bình luận về vấn đề này, tờ Điện tín (Anh) ngày 6/3 cho rằng ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc đã thể hiện rõ quan điểm tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự trong thời gian tới, và tân Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình đang ve vãn quân đội bằng ngân sách.

Báo cáo mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo đọc trước Quốc hội tại phiên họp thường kỳ cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc có thể đạt 7,5% năm 2013, thấp hơn mức bình quân 10% trong suốt một thập kỷ qua. Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của nước này khoảng 115 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ngân sách quốc phòng trên thực tế còn cao hơn nhiều mới có thể đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa với nhiều loại vũ khí, trang thiết bị tân tiến. Nguồn tiền mua các loại vũ khí của Nga không nằm trong ngân sách quốc phòng thường niên trong khi ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu-phát triển vũ khí mới lại thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Mới lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình rất muốn tranh thủ sự ủng hộ của quân đội. Thời gian gần đây, ông đã dành nhiều thời gian đi thăm các đơn vị quân đội, cả lục quân, hải quân và không quân. Tháng 12/2012, ông tuyên bố cần phải có một quân đội mạnh và đất nước phồn thịnh để tăng cường tiềm lực quốc gia.

Theo tờ Nhà Kinh tế ngày 5/3, Trung Quốc cũng dành một khoản ngân sách lớn cho nhiệm vụ đảm bảo an ninh nội địa. Điều này phản ánh những lo ngại của các nhà lãnh đạo trước nguy cơ bất ổn từ trong nước. Mặc dù vậy, một người phát ngôn của Quốc hội Trung Quốc bác bỏ ý kiến cho rằng quá trình hiện đại hóa quân đội nước này đồng nghĩa với sự xâm lược.

Theo Trung tướng Qin Weijiang (Quân khu Nam Kinh), tăng chi tiêu quốc phòng là điều dễ hiểu, giúp Trung Quốc ngày càng trỗi dậy, duy trì môi trường an ninh và đảm bảo lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, Giáo sư Andrew Erickson tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng mặc dù không gây bất ngờ, nhưng việc Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng đã phát đi những tín hiệu quan trọng về sự phát triển của quân đội nước này.

Rõ ràng, Trung Quốc muốn khẳng định vai trò của mình đối với khu vực và trên toàn cầu. Trong tương lai không xa, khi lợi ích quốc gia ràng buộc với nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới, thì quân đội Trung Quốc sẽ đảm nhận vai trò toàn cầu như Mỹ hiện nay.

Tiềm lực quân sự của Trung Quốc khiến các nước láng giềng và Mỹ lo lắng. Tuy nhiên, theo tờ Thời báo Tài chính ngày 6/3, điều mà họ quan ngại nhất chính là quan điểm hiếu chiến của Trung Quốc trong những tranh chấp chủ quyền biển đảo. Một tiềm lực quân sự mạnh phục vụ cho chính sách hiếu chiến và bất chấp luật pháp quốc tế sẽ đẩy cả khu vực tới nguy cơ bùng nổ xung đột. Tuần trước, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã rời cảng Đại Liên để bắt đầu hành trình về phía Nam và neo ở Thanh Đảo, khiến dư luận không khỏi băn khoăn về ý đồ của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Tokyo vẫn đang theo sát những động thái mới trong chính sách quốc phòng và nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thì nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tăng cường tính minh bạch trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc, đặc biệt là chi tiêu mua sắm vũ khí trang thiết bị.

Điều lo lắng này không phải là không có căn cứ. Bởi lẽ, một cường quốc kinh tế khi tập trung phát triển tiềm lực quân sự thì sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra từ phía láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Một số ý kiến cho rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ "bình ổn" và không có tăng đột biến, thậm chí có khi năm sau thấp hơn chút ít so với năm trước. Tuy vậy, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ phần trăm GDP thì quả là không chính xác khi đánh giá thực chất sức mạnh quân sự của nước này khi nền kinh tế của Trung Quốc ngày càng phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục