Thành cổ Luy Lâu, thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1964, tuy nhiên di tích này hiện đang bị xuống cấp và xâm hại nghiêm trọng.
Đây là di tích gắn liền với thời kỳ giặc phương Bắc đô hộ nước ta từ Tây Hán đến nhà Đường, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa.
Thành cổ Luy Lâu có diện tích bảo vệ khoảng 7ha, trong khu vực di tích này có Chùa Phi Tướng và Đền thờ Sỹ Nhiếp. Do chưa được quan tâm đúng mức trong công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và do bị xâm hại nên di tích xuống cấp nghiêm trọng, không còn giữ nguyên trạng.
Từ Tỉnh lộ 282 đi vào khu di tích khoảng 600m là con đường đất nhỏ lởm chởm gạch vỡ, hai bên cỏ mọc um tùm. Lối vào thành cổ lâu nay án ngữ bởi chợ Dâu là chợ phiên họp vào các ngày 2, 5, 7, 10 âm lịch hàng tháng của người dân thuộc 7 xã vùng Dâu của huyện Thuận Thành.
Việc họp chợ lối vào di tích gây ảnh hưởng trực tiếp đến quang cảnh cũng như gây mất vệ sinh môi trường khu vực di tích.
Bên trong di tích, ngoài Chùa Phi Tướng và Đền thờ Sỹ Nhiếp nằm trong hệ thống di tích thì tòa thành cổ hiện nay chỉ còn bãi đất trống, dấu tích tường thành chỉ còn là bờ đất đã trồng cây, những di tích mộ táng, khu cư trú, hào sâu, thành đất cao đều đã và đang bị xâm hại.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Khương Nguyễn Nam cho biết trên cơ sở xác định hiện trạng bảo tồn, hơn 7ha đất khu vực di tích vẫn là đất nông nghiệp, người dân vẫn trồng lúa và bãi đất trống hơn 2ha trồng cây lâu năm.
Do sự xuống cấp của các công trình, Thành cổ Luy Lâu đang dần trở thành phế tích chưa được các cấp chính quyền quan tâm. Trước thực trạng đó, xã đã kiến nghị với cấp trên xin cải tạo tuyến đường từ tỉnh lộ 282 vào Thành cổ nhưng chưa thực hiện được.
Từ khi được công bố là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đến nay, Thành cổ Luy Lâu đã được trùng tu hai lần, đảm bảo giữ nguyên hiện trạng cũ, chỉ sửa lại những chỗ hỏng như lợp mái, chống dột.
Qua một số đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều cổ vật quý, dày đặc dưới lớp đất canh tác như đồ gốm, gạch ngói thời Hán, lò nấu đồng, móng gạch có niên đại sớm và dấu tích của một kiến trúc cổ.
Tình trạng xâm hại và xuống cấp của di tích lịch sử cấp quốc gia Thành cổ Luy Lâu đang rất cần sự quan tâm, đánh giá của các cơ quan chức năng nhằm có kế hoạch bảo vệ di tích cũng như công tác trùng tu, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử này./.