Xây dựng Điện Biên thành trung tâm du lịch của Tiểu vùng Tây Bắc

Bài 1: Du lịch Điện Biên - “Kho báu” nơi đại ngàn Tây Bắc

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết "Xây dựng Điện Biên thành trung tâm du lịch của Tiểu vùng Tây Bắc" phân tích những tiềm năng, lợi thế cũng như giải pháp phát triển du lịch Điện Biên.

Hoa mận nở bên những ngôi nhà sàn ở bản Phiêng Ban, Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)
Hoa mận nở bên những ngôi nhà sàn ở bản Phiêng Ban, Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Theo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 27/01/2024, Điện Biên sẽ trở thành trung tâm du lịch của Tiểu vùng Tây Bắc vào giai đoạn sau năm 2030.

Đây là động lực góp phần thúc đẩy phát triển du lịch toàn bộ Tiểu vùng Tây Bắc của vùng Trung du miền núi phía Bắc; là điểm đến quan trọng, điểm kết nối phát triển du lịch giữa các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan với các tỉnh Tây Bắc, miền Bắc Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Đến năm 2050, Điện Biên là trọng điểm du lịch văn hóa-lịch sử-sinh thái Quốc gia hướng tới đẳng cấp quốc tế, phát triển mạnh dịch vụ thương mại và vùng biên giới ổn định, vững chắc.

Bài 1: “Kho báu” nơi đại ngàn

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, để trở thành trung tâm du lịch của Tiểu vùng Tây Bắc, Điện Biên cần phát huy những tiềm năng, lợi thế khác biệt của mình.

Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh là “kim chỉ nam,” căn cứ pháp lý quan trọng và là động lực để Điện Biên từng bước hiện thực hóa khát vọng này.

Nhiều tiềm năng, lợi thế khác biệt

Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và nổi tiếng với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; là địa phương có đường biên giới với cả Trung Quốc và Lào, nổi tiếng với cột Mốc số 0, ba cạnh, được đặt tại nơi cực Tây của Tổ quốc - nơi một con gà gáy ba nước cùng nghe.

Điện Biên có thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng; lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc, khí hậu trong lành, là nơi hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc. Đây là tiềm năng, thế mạnh quan trọng giúp Điện Biên vươn lên mạnh mẽ, bứt phá trong phát triển du lịch với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt.

Sản phẩm du lịch đặc biệt và khác biệt nhất của Điện Biên chính là về du lịch lịch sử- tâm linh. Chiến trường Điện Biên Phủ hào hùng đã để lại cho Điện Biên một quần thể di tích với 45 di tích thành phần, nổi bật như Đồi A1, cầu Mường Thanh, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, hầm Đờ Cát...

Những di tích này hàng năm đã thu hút được đông đảo du khách đến tham quan. Đây là lợi thế khác biệt, là cốt lõi để Điện Biên phát huy giá trị lịch sử, thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, hàng loạt công trình nổi tiếng khác như: Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đền thờ Liệt sỹ Chiến trường Điện Biên Phủ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia A1, Đền thờ Hoàng Công Chất…cũng là điểm đến ấn tượng mà du khách muốn dừng chân.

Về tiềm năng du lịch văn hóa-sinh thái, tính đến hết năm 2023, Điện Biên có 33 di tích văn hóa phi vật thể được xếp hạng, trong đó có một Di tích Quốc gia Đặc biệt, 14 Di tích cấp Quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh có 18 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, trong đó có hai di sản được UNESCO ghi danh là Nghệ thuật xòe Thái và Di sản thực hành Then.

Bên cạnh đó, Điện Biên còn có thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng.

TTXVN_2203dulichDienbien2.jpg
Người dân tộc thiểu số ở Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Tỉnh là mảnh đất đa sắc màu văn hóa với 19 dân tộc, mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, hấp dẫn. Điện Biên còn nổi tiếng với các danh thắng, hang động đẹp như hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua Là, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các điểm khoáng nóng, đồi Pha Đin, cao nguyên đá Tủa Chùa, vườn chè Shan Tuyết cổ thụ được công nhận là Vườn cây Di sản.

Cùng với tiềm năng du lịch nội tỉnh, Điện Biên có thế mạnh mở rộng liên kết với các tỉnh khác trong vùng và trong cả nước, đặc biệt là tuyến du lịch quốc tế.

Thực tế hiện nay, một số công ty lữ hành đã khảo sát các tuyến quốc tế như Vân Nam-Điện Biên-Louangphabang-Phongsaly; Oudomxay-Điện Biên-Hạ Long-Hà Tĩnh; Vân Nam-Sa Pa-Điện Biên-Hạ Long.

Đặc biệt hơn nữa, hiện nay, Điện Biên là tỉnh duy nhất của vùng Tây Bắc có cảng Hàng không, hiện được các hãng khai thác tuyến Điện Biên-Hà Nội và Điện Biên- Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được xem là lợi thế lớn để thu hút du khách cũng như các nhà đầu tư đến với mảnh đất này.

Có nhiều lợi thế là vậy, song thực tế cho thấy, du lịch Điện Biên đang còn vướng nhiều “điểm nghẽn," khiến những tiềm năng, thế mạnh vốn có đó chưa được khai phóng, mới chỉ dừng lại ở lợi thế so sánh.

Những khó khăn, thách thức

Điện Biên có nhiều nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và khác biệt, là nền tảng chắc chắn để phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, để du lịch của vùng đất cực Tây phát triển, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Khó khăn dễ nhận thấy nhất đối với đa số các tỉnh miền núi phía Bắc là hệ thống đường giao thông chưa thuận lợi. Địa hình phức tạp đã gây ảnh hưởng lớn đến đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp đường giao thông của tỉnh, gây cản trở cho du khách tiếp cận các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Đây cũng chính là điểm yếu trong thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính đến để đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

TTXVN_2203dulichDienbien3.jpg
Các chàng trai, cô gái tham gia các trò chơi truyền thống tại ngày hội ở Điện Biên. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất-kỹ thuật và dịch vụ phục vụ du lịch chưa phát triển đồng bộ cũng là điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ. Theo khảo sát, đánh giá của các chuyên gia, hệ thống lưu trú, hệ thống nhà hàng, vui chơi giải trí… tuy có sự phát triển nhưng chậm và chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở thành phố Điện Biên Phủ, khu vực các huyện rất yếu và thiếu. Hơn nữa, nguồn nhân lực du lịch của tỉnh còn hạn chế, thiếu kỹ năng chuyên môn nên chưa đáp ứng được hoạt động du lịch của địa phương.

Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, ngoài sản phẩm du lịch lịch sử-tâm linh đã được định hình rõ nét, các sản phẩm du lịch khác như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp… trên địa bàn khá mờ nhạt, chưa hấp dẫn du khách.

Tính độc đáo, giá trị nguyên bản và ý tưởng làm sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, có nhiều sự trùng lắp, tương đồng, chưa đưa ra được sản phẩm du lịch khác biệt với các địa phương khác.

Thêm vào đó, các sản phẩm du lịch của Điện Biên chưa có tính liên kết vùng, liên kết với các trung tâm du lịch lớn của các tỉnh lân cận và trong cả nước. Đây cũng là một trong những lực cản lớn khiến ngành Du lịch Điện Biên khó bứt phá.

TTXVN_2203dulichDienbien4.jpg
Con đường trong bản Phiêng Ban ở Điện Biên rợp sắc trắng muốt của hoa mận. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Một lực cản nữa đối với ngành Du lịch Điện Biên là nhận thức về làm du lịch và tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế của một bộ phận nhân dân, doanh nghiệp, cán bộ quản lý còn chưa đầy đủ, hạn chế, chưa có giải pháp cụ thể mang tính phát triển bền vững.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thực tế cho thấy tiềm năng du lịch của Điện Biên mới chỉ ở lợi thế so sánh do chưa tạo được những điểm nhấn riêng.

Vì vậy, du lịch Điện Biên hoàn toàn “lép vế” khi đưa ra so sánh với các địa phương trong khu vực, chứ chưa so sánh với các thị trường lớn khác trong nước. Dự báo thời gian tới, ngành Du lịch Điện Biên không chỉ chịu áp lực lớn từ sự cạnh tranh giữa các thị trường trong nước, mà còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường du lịch thế giới, nhất là các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Ngay sau COVID-19, ngành Du lịch các nước này đã trở lại đầy mạnh mẽ với sự đầu tư bài bản, sự chuẩn bị chu đáo để nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Hiểu rõ về tiềm năng, thế mạnh khác biệt cũng như những ảnh hưởng, tác động của những khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch, Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã đề ra những mục tiêu, phương hướng cụ thể, cũng như những giải pháp thiết thực để thực sự đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới./.

Bài 2: Khát vọng đưa du lịch Điện Biên “cất cánh”

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục