LOẠT BÀI “KINH TẾ XANH - TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

Bài 13: Bài toán làm sạch rác thải y tế để tái chế cho các hoạt động khác

Mô hình kinh tế tuần hoàn với ngành y tế là một giải pháp tổng thể, trong đó việc phân loại rác thải là một ưu tiên nhằm giảm lượng rác nguy hại ngay từ đầu, để tái chế cho nhiều hoạt động khác.

Các nhóm chất thải y tế được phân loại và lưu giữ riêng biệt. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Các nhóm chất thải y tế được phân loại và lưu giữ riêng biệt. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Đà phát triển kinh tế của đất nước và nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao khiến lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp, trong đó có một lượng không nhỏ là chất thải nhựa có thể tái chế.

Mô hình kinh tế tuần hoàn với ngành y tế là một giải pháp tổng thể, trong đó việc phân loại rác thải là một ưu tiên nhằm giảm lượng rác nguy hại ngay từ đầu, làm sạch rác thải y tế để an toàn cho con người và môi trường, có thể được tái chế sử dụng cho các hoạt động khác.

khoảng 600 tấn rác thải y tế/ngày

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), cả nước có 13.511 cơ sở y tế bao gồm các cơ sở khám chữa bệnh và dự phòng từ tuyến Trung ương đến địa phương, trong đó có hơn 1.500 bệnh viện.

Lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày và lượng rác thải y tế ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số lượng cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế tăng cao...

Theo một nghiên cứu gần đây, tổng lượng chất thải y tế phát sinh tại mỗi bệnh viện trung bình là 1,77 ± 0,90kg/giường bệnh/ngày, trong đó lượng chất thải y tế thông thường chiếm tỷ trọng cao nhất (1,53 ± 0,83kg/giường bệnh/ngày), tiếp đến là chất thải y tế lây nhiễm (0,22 ± 0,15kg/giường bệnh/ngày), thấp nhất là chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm (0,02 ± 0,04kg/giường/ngày).

Chất thải nhựa trong lĩnh vực y tế phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…

Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe như triển khai cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp trên toàn quốc. Nhiều cơ sở y tế đã sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường để xử lý chất thải.

TTXVN_phan loai.jpg
Chất thải y tế được phân loại ngay tại nơi khám chữa bệnh, được chia thành các túi nylon theo mẫu quy định. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Cách xử lý rác thải y tế hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là đốt hoặc đem chôn lấp. Các đơn vị xử lý chất thải y tế lây nhiễm đều hướng tới thực hiện rác sẽ được phân loại và có thể tái chế được 30%-40%. Việc phân loại rác tại nguồn là điều kiện tiên quyết. Nhiều sáng kiến, mô hình đang cố gắng làm giảm lượng rác thải ra, làm sạch nó và tái chế nhiều nhất.

Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế, việc phân loại rác thải y tế tại nguồn cũng được hướng dẫn, tập huấn cho tất cả các cơ sở y tế thực hiện để chung tay góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Tâm - Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết việc triển khai mô hình bao gồm cả việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ nhân viên y tế, tuyên truyền ý thức cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người dân về phân loại chất thải ngay tại nguồn, nhận biết phân loại được rác thải hữu cơ, vô cơ, thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa. Điều này sẽ giúp môi trường trong bệnh viện đảm bảo thực sự trong sạch, tránh tối đa việc lây nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật của bệnh nhân và người dân.

Phân loại rác thải y tế tại nguồn

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông tin, theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Thế giới đang tạo ra một lượng rác thải nhựa lớn gấp đôi so với hai thập kỷ trước. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 25 tấn rác thải nhựa được thải ra tại các cơ sở y tế, với hơn 65% chất thải nhựa lây nhiễm. Trong khi đó, nhựa sử dụng cho các vật tư y tế là loại nhựa có chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số đó được tái chế, hầu hết thải bỏ sau 1 lần sử dụng do những khó khăn liên quan đến công tác phân loại và xử lý chất thải y tế. Để thay đổi điều này đòi hỏi nỗ lực phối hợp của ngành y tế, các công ty tái chế và các cơ quan chính phủ.

vna_potal_chien_dich_lam_cho_the_gioi_sach_hon_2020_benh_vien_thanh_nhan_lam_tot_cong_tac_xu_ly_chat_thai_154348372_5030276.jpg
Nhân viên vệ sinh sắp xếp rác thải sinh hoạt đã được phân loại theo túi nylon màu xanh. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Hiện USAID có một số chương trình, dự án ưu tiên thực hiện tại Việt Nam, trong đó tập trung vào các lĩnh vực môi trường, giáo dục, y tế cộng đồng. Đặc biệt, USAID quan tâm hợp tác thực hiện các dự án, chương trình liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu. Thông qua dự án, USAID sẽ chung tay với các đối tác Chính phủ Việt Nam, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí, quản lý chất thải rắn và ô nhiễm chất thải nhựa.

Mô hình kinh tế tuần hoàn là một giải pháp tổng thể, nhưng cốt lõi vẫn là phân loại để giảm lượng rác nguy hại ngay từ đầu. Dự án giảm thiểu ô nhiễm của USAID tính toán, riêng rác nhựa sẽ có thể tăng lượng tái chế và giảm chi phí tái chế đến 70%.

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực y tế nằm trong “Dự án giảm thiểu ô nhiễm” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Tổ chức Winrock International được USAID ủy quyền quản lý và hỗ trợ kỹ thuật, Chương trình được triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025 tại 5 bệnh viện ở Việt Nam (Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) với mục đích nhằm gia tăng khả năng xử lý và tái chế rác thải nhựa y tế, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Kiểm soát việc thực hành đúng quy trình khám bệnh, phân loại chất thải đúng quy định tại nguồn là nhiệm vụ quan trọng của các bệnh viện.

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, 100% chất thải y tế đã được phân loại tại nguồn. Từng loại chất thải được phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định, có đội ngũ giám sát liên tục nhắc nhở nhằm thay đổi thói quen làm việc của nhân viên y tế. Tại các vị trí đặt bao bì, dụng cụ phân loại chất thải y tế đều có biển chỉ dẫn, thông báo hướng dẫn cách phân loại và thu gom chất thải bằng hình ảnh, dễ đọc, dễ hiểu.

VNP_phanloai.jpg
Phân loại rác thải y tế tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh viện có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa phòng, thực hiện giám sát, kiểm tra việc phân loại chất thải, nhân viên y tế tại các Khoa lâm sàng có trách nhiệm hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cách phân loại rác thải y tế ngay khi bắt đầu nhập viện.

Với khoảng 5.000 người bệnh và nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, lượng rác thải y tế mỗi ngày tại đây là 100 tấn, rác thải sinh hoạt là 300 tấn nhưng rác thải tái chế chỉ 35 tấn. Dù thực hiện đúng quy định phân loại rác tại nguồn nhưng nếu không làm tốt vẫn là lãng phí.

Bác sỹ Nguyễn Huy Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho hay lượng rác thải tái chế, tái sử dụng, nếu xử lý tốt, tận dụng dc có thể tăng lên gấp 5-10 lần giá trị kinh tế.

Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) là mô hình đi đầu trong việc áp dụng công nghệ hấp sau phân loại, đảm bảo rác thải sau xử lý an toàn với môi trường, có thể tái chế được đến 98% rác nhựa y tế nguy hại. Nhưng thực tế, hiện nay chưa có nhiều bệnh viện áp dụng được giải pháp này.

phânloai.jpg
Những chiếc thùng phân loại rác thải y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí) cho hay lợi về kinh tế chỉ là một phần điều lợi hơn là môi trường.

Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe cho biết đội ngũ nhân lực của Trung tâm với sự hỗ trợ công nghệ, máy móc, quy trình, chuyên gia của Tổ chức Winrock International sẽ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải nhựa y tế tại các bệnh viện. Tổ chức Winrock International tập trung vào 3 nhóm giải pháp trọng điểm là hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý bền vững chất thải nhựa y tế; hỗ trợ thiết kế và triển khai giải pháp khử khuẩn; theo dõi, giám sát, đánh giá và nhân rộng mô hình.

Tại các bệnh viện, giải pháp truyền thông sẽ được đẩy mạnh song song với kiểm soát chặt chẽ quy trình nhập vật tư y tế nhựa, điều này nhằm hướng tới việc nâng cao ý thức chung tay giảm thiểu rác thải nhựa y tế từ bệnh nhân, người nhà chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế… Đặc biệt, bệnh viện cũng được hỗ trợ kết nối với đối tác là các đơn vị xử lý rác thải nhựa y tế đủ năng lực, có hệ thống khử khuẩn đạt chuẩn để khử khuẩn chất thải nhựa y tế lây nhiễm thành không lây nhiễm trước khi đưa đi xử lý tái chế. Cuối cùng, rác thải nhựa y tế sẽ được phân loại và tái chế thành các hạt nhựa đạt chuẩn, cung cấp cho các đơn vị làm nguyên liệu đầu vào sản xuất đồ nhựa tái sử dụng như thùng rác, túi rác, chậu hoa…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục