Bài 2: Cách nào biến thách thức thành lợi thế, vượt qua khủng hoảng?

Nhiều doanh nghiệp thay vì né tránh và 'ngủ đông” đã tìm mọi cách biến đại dịch COVID-19 thành 'cú hích,' biến thách thức thành sức mạnh đeo đuổi sản xuất-kinh doanh bền vững.
Chặng đường hai năm vượt 'bão COVID-19' là cuộc cách mạng của PUN Coffee. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Chặng đường hai năm vượt 'bão COVID-19' là cuộc cách mạng của PUN Coffee. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Kể từ khi COVID-19 xuất hiện đến nay đã hơn hai năm và chưa có bất kỳ dự báo nào nhận định được dịch bệnh sẽ đi tới đâu, do đó chiến lược chống dịch của Chính phủ đã chuyển sang thích ứng và chung sống an toàn với đại dịch.

Nhận thức chung về điều này, nhiều doanh nghiệp thay vì né tránh và “ngủ đông” đã tìm mọi cách biến đại dịch COVID-19 thành “cú hích” thay đổi nội tại trong tổ chức, biến thách thức thành sức mạnh đeo đuổi sản xuất-kinh doanh bền vững.

Phản ứng nhanh, quyết liệt

Đơn hàng truyền thống bị gián đoạn, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, chi phí vận chuyển bị đội lên quá cao... Bài toán đặt ra là cần tìm những giải pháp giá trị và phù hợp để có thể “sống chung” với COVID-19.

Với Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất kinh doanh xuất khẩu Việt Trang (Thanh Hóa), bà Mai Thị Anh Đào, Giám đốc phát triển kinh doanh-cho biết công ty đã thành lập một đội phản ứng nhanh (gồm lãnh đạo, thiết kế, quản lý chuỗi cung ứng, nghệ nhân).

Sau 6 tuần, đội phản ứng nhanh ra đời giải pháp “bộ sản phẩm gấp gọn” - (Fold to fit). Cụ thể, các sản phẩm mới này một mặt đảm bảo tính thẩm mỹ, thân thiện với môi trường, khả thi trong sản xuất nhưng đặc biệt phải tiết kiệm được không gian vận chuyển. Mục tiêu của bộ sản phẩm này là tiết kiệm tới 90% chi phí khi vận chuyển giữa các nước và phù hợp với mô hình bán hàng online, từ đó giúp giảm chi phí lưu kho 80%, chi phí vận chuyển tới tay người tiêu dùng ít nhất 50%.

[Doanh nghiệp Việt dồn toàn lực thay đổi để vượt “bão COVID-19”]

“Với giải pháp này, chúng tôi không chỉ tạo ra cú hích cho doanh nghiệp mà các đối tác phản hồi rất thích thú và nhiều khen ngợi. Kết quả này đã đặt một dấu mốc quan trong trọng trong hành trình xây dựng hình ảnh sáng tạo, chuyên nghiệp và đáng tin cậy của công ty,” bà Đào chia sẻ.

Bà Lương Thị Mỹ Huệ, đại diện Công ty Thảo dược Tây Nguyên (Kom Tum) cho hay đơn vị này xác định không thể dừng chân tại chỗ bởi đằng sau doanh nghiệp lúc này là sinh kế của hàng chục gia đình. Do đó, ban lãnh đạo công ty đã “bắt tay” ngay vào việc hệ thống lại chiến lược kinh doanh, tối ưu hóa chi phí nhằm duy trì sản xuất.

“Thảo dược Tây Nguyên đã quyết định thay đổi gần như toàn bộ kế hoạch, chiến lược của mình, chuyển dịch sản phẩm sang hướng thích nghi với hoàn cảnh mới, bám sát mục tiêu phục vụ các nhu cầu phòng, chống dịch. Sau khi khảo sát, tìm được nguồn nguyên liệu ổn định, công ty đã sản xuất thêm mặt hàng “lá xông giải cảm” từ những loại lá, dược liệu gần gũi với mọi gia đình. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, sản phẩm lá xông với ưu điểm hữu dụng, nhỏ gọn, dễ dàng vận chuyển, giá thành rẻ… đã nhanh chóng được thị trường đón nhận. Nhờ đó, doanh thu kinh doanh tăng trưởng, có thời điểm đạt gần 1 tỷ đồng/tháng. Giai đoạn cao điểm, hơn 20 lao động nữ của công ty đã phải làm việc và tăng ca liên tục,” bà Huệ trao đổi.

Bài 2: Cách nào biến thách thức thành lợi thế, vượt qua khủng hoảng? ảnh 1Thảo dược Tây Nguyên đã quyết định thay đổi gần như toàn bộ kế hoạch, chiến lược của mình, chuyển dịch sản phẩm sang hướng thích nghi với hoàn cảnh mới. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với Công ty PUN Coffee, ông Phan Hồng Phong Giám đốc công ty ví chặng đường hai năm vượt “bão COVID-19” là cuộc cách mạng của một “cọng rơm” linh hoạt.

Càphê Khe Sanh của PUN Coffee được công bố đúng vào thời điểm đợt dịch thứ tư bùng phát và cuốn bay nhiều thành quả trước đó của công ty. Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… giãn cách xã hội, tất cả quán xá đóng cửa và càphê Khe Sanh thì “ngủ yên” trong nhà xưởng.

“Sau nhiều lần trăn trở, Pun đưa ra ý tưởng táo bạo lấy ‘chuyên gia’ dẫn dắt thị trường và phân khúc nhỏ xíu này thành công hơn cả sự mong đợi. Sự định hướng của chuyên gia cũng như đánh giá ghi nhận nỗ lực của cà phê Khe Sanh-Quảng Trị đã được khách hàng dần chấp nhận,” ông Phong chia sẻ.

Hai năm dịch bệnh hoành hành cũng là hai năm trưởng thành của Pun. Ông Phong cho biết thời gian đó công ty dần nhận ra cách thức tiêu dùng trong xã hội đang bắt đầu thay đổi. Con người hướng về môi trường và nông nghiệp xanh nhiều hơn. Và, nông nghiệp trồng càphê bền vững cần phải thực hiện, theo đó Pun đẩy mạnh vào xây dựng, phục hồi vùng nguyên liệu, trên cơ sở triển khai sản xuất phân bón vi sinh từ vỏ cà phê và rác thải sinh học bản địa, chế phẩm bảo vệ sinh học từ bồ hòn, cây thuốc cá và lá xoan đào.

Tiếp thị đa phương tiện

Những tác động tiêu cực của dịch bệnh đã đẩy doanh nghiệp vào hoàn cảnh mới, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi cùng với đó các phương thức tiếp cận thị trường truyền thống cũng trở nên “lạc hậu.”

Bà Đào khẳng định với phương thức tiếp thị kỹ thuật số (Digital marketing) và sáng kiến cải tiến “bộ sản phẩm gấp gọn-Fold to fit,” doanh nghiệp Việt Trang đã biến thách thức thành cơ hội tạo lợi thế cạnh tranh trong khủng hoảng.

Trên thị trường, xu hướng ứng dụng tiếp thị kỹ thuật số trong bán hàng không còn xa lạ và đang phát huy được hiệu quả trong kênh bán lẻ trực tiếp tới khách hàng (B2C), nhưng đối với đặc thù mô hình kinh doanh xuất khẩu xuyên biên giới (B2B) việc áp dụng tiếp thị kỹ thuật số trong xúc tiến thương mại và bán hàng là một bước ngoặt lớn.

Bà Đào cho hay trước khi đại dịch COVID-19, doanh số các đơn hàng xuất khẩu của Việt Trang chiếm 95% đến từ kênh kinh doanh truyền thống. Nhưng với cú hích “COVID-19,” hoạt động bán hàng và xúc tiến thương mại của công ty đã chuyển 100% sang online. Điều này không chỉ góp phần duy trì khách hàng cũ mà công ty đã tiếp cận được thêm 20% khách hàng mới với doanh thu tăng 30%.

Trong hơn 1 năm, đội ngũ của công ty đã học hỏi, làm quen, thử nghiệm và xây dựng cho mình được một hành trình trọn vẹn “quen-biết-thân-thương,” tiếp xúc với khách hàng qua các công cụ trực tuyến một cách toàn diện: Website, Google ads, social media: youtube, facebook, blogs, linkedIn; alibaba, global sources, Viet Trang B2B platform...

“Mỗi công cụ, mỗi kênh, mỗi nội dung là một mảnh ghép, phối hợp với nhau nhịp nhàng, ghép thành một bức tranh tổng thể để kể câu chuyện của Việt Trang, của những nghệ nhân làng cói, đưa sản phẩm của Việt Trang tới khách hàng và những đối tác tin cậy. Digital marketing giờ đây không còn là 1 lựa chọn nữa, chúng tôi đã xây dựng nó trở thành lợi thế cạnh tranh của mình,” bà Đào nói.

Bài 2: Cách nào biến thách thức thành lợi thế, vượt qua khủng hoảng? ảnh 2Việt Trang tiếp xúc với khách hàng qua các công cụ trực tuyến một cách toàn diện: Website, Google ads, social media: youtube, facebook, blogs, linkedIn; alibaba, global sources, Viet Trang B2B platform. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Số hóa hệ thống quản trị

Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước cần thích ứng tốt hơn trước những thách thức, thông qua sự phát triển năng lực kỹ thuật số đồng thời số hoá chuỗi cung ứng.

Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh, các doanh nghiệp tư nhân muốn nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới cần chú trọng các giải pháp đầu tư vào hệ thống phần mềm quản trị, trong đó tập trung con người là yếu tố hàng đầu.

Thực tế từ Tập đoàn Phúc Sinh, việc đầu tư vào các phần mềm để quản trị đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nhân lực trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

“Việc xây dựng phần mềm quản trị làm tăng năng lực cạnh tranh, như ít dùng con người hơn, nhanh hơn và có thể làm việc từ xa để thích ứng đối phó tốt hơn với biến động về thời gian và con người khi đại dịch diễn ra. Hơn thế nữa, việc ứng dụng các công nghệ cũng giúp doanh nghiệp kết nối tốt hơn với các đối tác, nhà cung cấp trong nước và nước ngoài để thúc đẩy hoạt động kinh doanh buôn bán,” ông Thông chia sẻ.

Ông Thông đánh giá chuyển đổi số và sáng tạo là giá trị cạnh tranh quan trọng, cần phát triển chiều sâu trong các ứng dụng thiết kế sản phẩm, phương thức kinh doanh mới …

Về điều này, ông Khương nhấn mạnh chuyển đổi kỹ thuật số là vấn đề về tư duy và sự sẵn sàng. Trong đó, yếu tố con người là chìa khóa thành công. Quá trình này, một số doanh nghiệp sẽ chiến thắng và một số doanh nghiệp sẽ thất bại, song doanh nghiệp không thể làm điều đó một mình và cuối cùng “sức khỏe” mới là bền vững.

Để phát triển kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới” trong năm 2022, ông Khương nhận định cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài, do vậy các doanh nghiệp cần xác định cơ hội tăng trưởng và xem xét lại mô hình kinh doanh là việc làm cần thiết. Việc kết hợp con người và máy móc không chỉ đáp ứng những yêu cầu mới từ khách hàng mà còn giúp hoạt động kinh doanh bền vững, có khả năng kháng cự với các cú sốc.

“Chu trình sản xuất kinh doanh, tiếp cận khách hàng có thể kết hợp giữa con người, máy học (machine learning), thiết bị ứng dụng tự động (chatbot), robot, dữ liệu lớn… từ đó đáp ứng hiệu quả kỳ vọng của người tiêu dùng,” ông Khương nói./.

Theo báo cáo hoạt động của Amazon, năm 2021, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam bán hàng qua kênh Amazon đạt doanh số 7,2 triệu sản phẩm/năm (ước tính 14 sản phẩm/phút).

Đặc biệt, số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vượt mốc doanh thu 1 triệu USD bán hàng ra thị trường quốc tế trên Amazon tăng hơn 40%.

Bài 1: Đối mặt hay bị ‘chết chìm’?

Bài 3: Thúc đẩy nhóm ngành trọng tâm để giúp doanh nghiệp vượt khó

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục