Giải tỏa áp lực tuyển sinh lớp 10, phân luồng phát triển nhân lực

Bài 4: Giải ‘bài toán’ thiếu trường, thiếu lớp của trường công lập

Các thành phố cần làm tốt việc quy hoạch và giảm sát việc thực hiện quy hoạch các công trình xây dựng trường học, đảm bảo cơ sở vật chất cho học sinh.
Việc đầu tư cơ sở vật chất để học sinh tại các quận nội thành có đủ trường lớp theo học cần sự quyết liệt của các chính quyền. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Việc đầu tư cơ sở vật chất để học sinh tại các quận nội thành có đủ trường lớp theo học cần sự quyết liệt của các chính quyền. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc thừa, thiếu chỗ học cục bộ các trường trung học phổ thông công lập đang là sức ép đối với Hà Nội trong lĩnh vực giáo dục.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc tăng dân số cơ học tập trung tại một số quận trung tâm của Hà Nội thì việc đầu tư cho cơ sở vật chất, xây thêm trường, thêm lớp là yêu cầu cấp thiết để giải bài toán thu hút đầu vào tại các trường công.

Áp lực trường lớp

Theo danh sách Hà Nội công bố, số lượng học sinh tuyển vào trường Trung học Phổ thông năm học 2023-2024 khoảng 102.000 em (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học trước). Trong đó, số lượng tuyển vào các trường Trung học Phổ thông công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023).

Tuy nhiên, do phân bố dân cư không đồng đều, thường khu vực nội thành có sức cạnh tranh và điểm chuẩn vào các trường Trung học Phổ thông cao nên áp lực vào các trường cũng lớn hơn.

Đơn cử, tại khu vực 1 (gồm quận Ba Đình và Tây Hồ), chỉ tiêu năm 2022 và 2023 của nhiều trường giữ nguyên, như Phan Đình Phùng (675 học sinh), Nguyễn Trãi-Ba Đình là 640 học sinh, song trường Trung học Phổ thông Tây Hồ lại tăng 45 học sinh (từ 675 lên 720 học sinh).

[Thêm hơn 3.300 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho 34 cơ sở giáo dục Hà Nội]

Trong khi đó, Khu vực 2 (quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng), chỉ tiêu cũng tăng lên ở 2 trường là Việt Đức (tăng 45 học sinh) và Trần Phú-Hoàn Kiếm (tăng 45 học sinh), còn lại đều giữ ổn định.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai cho biết hiện nay, quận đang triển khai thực hiện 99 dự án, bao gồm 24 dự án xây dựng trường học, trong đó, có 16 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư là 2.008 tỷ đồng.

Về tiến độ xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đến hết năm 2022, quận Hoàng Mai có tổng số 59 trường, trong đó có 41 trường chuẩn quốc gia, đạt 69,5%. Kế hoạch 5 năm 2023-2025, tổng số trường công lập đạt dự kiến là 61 trường, trong đó, phấn đấu có 49 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 80,3%.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai, do dân số cơ học tăng, dẫn đến số học sinh trên địa bàn quận tăng nhanh hàng năm, cơ sở vật chất của một số trường không đáp ứng kịp; số lượng học sinh đông, số học sinh/lớp cao, diện tích đất/học sinh không đảm bảo tiểu chuẩn, thiếu quỹ đất để mở rộng trường học công lập.

Bài 4: Giải ‘bài toán’ thiếu trường, thiếu lớp của trường công lập ảnh 1Tâm lý chung của phụ huynh là muốn con học trường công lập nhưng lại không cho con em đi học xa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi đó, tâm lý chung của phụ huynh là muốn con học trường công lập nhưng lại không cho con em đi học xa. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc nhiều học sinh nội thành không vào được trường công vì trượt hết các nguyện vọng, trong khi thừa điểm vào các trường Trung học Phổ thông ngoại thành.

Cần cơ chế đặc thù?

Thủ đô Hà Nội hiện có khoảng 8,3 triệu người, dân trí cao nên ngoài nhu cầu về chỗ học, người dân rất quan tâm tới chất lượng giáo dục. Chưa kể, những năm gần đây, nhiều gia đình có điều kiện đã từ nơi khác về Hà Nội thuê, mua nhà. Do đó, việc bảo đảm đủ chỗ học luôn là câu chuyện căng thẳng.

Đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, các quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… là địa bàn có sức “nóng” về số lượng học sinh, là những địa bàn nào tập trung nhiều khu dân cư mới, có “sức ép” lớn về dân số đông lên trường học.

Ông Trần Thanh Long, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Nam Từ Liêm cho hay, theo Nghị quyết 02/NQ-HDND ngày 8/2/2022, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm có 3 trường Trung học Phổ thông đã được Hội đồng Nhân dân duyệt danh mục và dự kiến sử dụng một phần ngân sách Thành phố Hà Nội.

Đối với dự án trường Trung học Phổ thông Xuân Phương và Trung học Phổ thông Mỹ Đình, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán, Ủy ban Nhân dân quận Nam Từ Liêm sẽ giao các phòng, ban, kiểm tra, rà soát lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các hạng mục cần cải tạo, sửa chữa và nâng cấp.

Đối với các dự án trường Trung học Phổ thông Trung Văn và Đại Mỗ, Ủy ban Nhân dân quận Nam Từ Liêm đã giao nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Hiện Hội đồng thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án của Quận đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan và tổ chức thẩm định, đảm bảo đầy đủ điều kiện để trình Hội đồng Nhân dân quận xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.

Cùng với sự vào cuộc của các quận, huyện, để giảm áp lực trường lớp, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường Trung học Phổ thông công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành từ năm học 2023-2024, trong đó, có 3 nội dung: cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.

Bàn về nội dung này, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII đoàn Hà Nội cho rằng, trong một thời gian dài việc xây dựng nhiều công trình như trường học không đảm bảo đúng tiến độ, chậm hơn so với kế hoạch.

Thậm chí, nhiều công trình khác được ưu tiên hơn như xây nhà để bán sau đó mới xây trường… dẫn đến còn khó khăn trong việc giải quyết trường lớp. Từ thực tế đó, bà Bùi Thị An đề nghị thành phố cần làm tốt việc quy hoạch và giảm sát việc thực hiện quy hoạch các công trình xây dựng trường học, đảm bảo cơ sở vật chất cho học sinh.

Bài 4: Giải ‘bài toán’ thiếu trường, thiếu lớp của trường công lập ảnh 2Số lượng học sinh Hà Nội tuyển vào trường Trung học Phổ thông năm học 2023-2024 khoảng 102.000 em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với đặc thù của Thủ đô, đất chật lại tập trung đông dân cư tại những quận nội thành, bà An cũng kiến nghị có cơ chế “xé rào” cho lãnh đạo Hà Nội được sử dụng đất xen kẹt để xây trường lớp, tăng thêm chỗ học cho các cấp học.

“Nếu học sinh đông quá cũng không được, chất lượng sẽ không được đảm bảo,” bà An nêu ý kiến.

Quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” được đưa ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Chia sẻ nội dung này, theo một cán bộ ngành giáo dục Hà Nội, việc đầu tư cơ sở vật chất để học sinh tại các quận nội thành có đủ trường lớp theo học cần sự quyết liệt của các chính quyền, trong đó, việc sắp xếp lại quỹ đất, ưu tiên cho xây dựng trường cần được tính toán hợp lý.

Lấy ví dụ thực tế, theo bà, với quyết tâm của quận Hoàn Kiếm và ngành giáo dục, nhiều trường đã chuẩn bị xây lại khang trang hơn, rộng rãi hơn, qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục.

Cho rằng, việc tăng sỹ số lớp học có thể gây áp lực cho các thầy cô trong việc quảy lý, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, vị này cho rằng, nhiều trường Trung học Phổ thông với cơ sở vật chất tốt có thể chia 2 ca để học, việc này vừa tăng được số lớp học, đồng thời giảm được sức ép về sỹ số lên các lớn học.

“Cấp mầm non đến Trung học Cơ sở vẫn cần người chăm sóc, quản lý thì học sinh Trung học Phổ thông không phải lo quá đến việc này, thậm chí có thể thuận tiện cho phụ huynh đưa đón vì các em có thể tự đi lại,” vị này nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, nhằm giảm áp lực thiếu giáo viên, bà đề xuất những giáo viên dậy bộ môn phụ có thể thuộc biên chế của quận hoặc thành phố, nhưng thay vì chỉ dậy 1 trường thì họ có thể dậy 3-4 trường cùng một môn học đó, đồng thời giải quyết biên chế hoặc ký hợp đồng dài hạn để những giáo viên trên yên tâm công tác và cống hiến cho ngành.

“Việc để giáo viên dậy môn phụ như hiện nay sẽ là khó cho nhiều trường, vừa không thể giữ được lâu dài vừa khó sắp xếp để quản lý,” vị này nêu ý kiến./.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông, hiện có 5 dự án trường Trung học phổ thông đã được Hội đồng Nhân dân quận Hà Đông phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 27/6/2023, giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận thực hiện nhiệm vụ Chủ đầu tư triển khai các dự án trên.

Trong khi đó, quận Hai Bà Trưng đã có 2 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: Cải tạo, mở rộng Trường Trung học Phổ thông Thăng Long và Cải tạo, sửa chữa Trường Trung học Phổ thông Đoàn Kết-Hai Bà Trưng, hiện Ban Quản lý Dự án quận đang thực hiện công tác chuẩn bị dự án.

Đón đọc toàn bộ chùm bài:

Bài 1: Gian nan tranh suất học lớp 10 trường công

Bài 2: Khoảng trống hướng nghiệp bậc trung học cơ sở

Bài 3: ‘Cánh cửa’ đào tạo song bằng hệ 9+ cho học sinh trung học cơ sở

Bài 4: Quyết liệt từ quy hoạch: Giải “bài toán” thiếu trường, thiếu lớp trường công lập

Bài 5: Hệ đào tạo 9+: “Con đường” vừa học, vừa  trải nghiệm thực tế

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục