Tuyển dụng theo kiểu "cá mè một lứa;" công văn hồi đáp đơn khiếu nại “mắc kẹt” hơn 1 tháng trước khi tới tay công dân… chỉ là một trong những điều bất thường đang tồn tại trước, trong và sau kỳ tuyển dụng viên chức tháng 7/2015 tại huyện Thạch Thất.
[Bài 6: Đường đi kỳ lạ của công văn trả lời dân tại huyện Thạch Thất]
Trong suốt quá trình tiếp cận vụ việc, phóng viên VietnamPlus còn phát hiện ra việc nhiều cán bộ dân số đang làm việc trong dạng không hợp đồng lao động, trong khi vẫn nhận lương hàng tháng.
Phản ánh tới VietnamPlus, bên cạnh câu chuyện về kỳ thi tuyển lạ lùng tại huyện Thạch Thất, nhóm các cựu cán bộ chuyên trách dân số cấp xã còn cho hay: Trong suốt quá trình nhiều năm công tác, họ chỉ có trong tay duy nhất một bản hợp đồng làm việc xác định thời hạn ký với Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình huyện.
Điển hình là trường hợp của chị Chu Thị Thêu, nguyên cán bộ dân số xã Thạch Xá với cả chục năm trong nghành. Tuy nhiên, phải đến tận năm 2013, lần đầu tiên trong đời, người phụ nữ 41 tuổi ấy mới được cầm trong tay bản hợp đồng lao động đúng nghĩa ký với Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa Gia đình huyện Thạch Thất.
“Đầu năm 2013, hợp đồng làm việc xác định thời hạn của tôi đã được bà Nguyễn Thị Quế, giám đốc trung tâm vào thời điểm đó ký. Thời hạn làm việc là 1 năm với mức lương 1.0,” chị Thêu nhớ lại.
Vị trí công việc của chị Thêu, chiếu theo hợp đồng năm 2013 là cán bộ chuyên trách với chức vụ Phó ban.
Tương tự là câu chuyện của chị Kiều Thị Thơi, cựu cán bộ phụ trách dân số xã Đồng Trúc. Ngày 16/1/2013, chị “vui như hội” khi cầm trên tay bản hợp đồng xác định thời hạn với vị trí làm việc là Cán bộ chuyên trách dân số, mức lương 1.0.
“Vào thời điểm ấy, chúng tôi đều nghĩ mọi công sức, cố gắng trong suốt nhiều năm qua cuối cùng cũng được ghi nhận và cụ thể hóa bằng các bản hợp đồng làm việc do Giám đốc trung tâm dân số ký,” chị Thêu cay đắng nhớ lại.
Đáng chú ý, trong những bản hợp đồng mà Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Thạch Thất ký với các cán bộ này có ghi rất rõ: Thời hạn hợp đồng kéo dài từ tháng 1/2013 đến hết ngày 31/12/2013 theo diện ngắn hạn. Ngoài ra,, người sử dụng lao động chỉ có thể “tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật người lao động theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và nội quy lao động của doanh nghiệp.”
Ngoài số hợp đồng có thời hạn 1 năm này, trong tay phóng viên còn có một loạt các hợp đồng có thời hạn 3 tháng cũng do Trung tâm kế hoạch hóa gia đình huyện ký vào cuối năm 2014. Nhóm hợp đồng này do đương kim Giám đốc Nguyễn Thị Mai trực tiếp chấp bút và đóng dấu, tuy nhiên, cũng rất lạ kỳ là không hề có số hợp đồng.
Bi hài nhất, sau khi bản hợp đồng kể trên hết hiệu lực, 100% các cán bộ không hề được tái ký mà vẫn tiếp tục làm việc ở nguyên vị trí cũ và… vẫn được nhận lương hàng tháng bình thường cho tới tận khi họ bị mất việc sau kỳ tuyển dụng viên chức hồi tháng 7/2015. Nghĩa là hơn 1 năm sau khi kết thúc hợp đồng, hơn chục cán bộ tại Trung tâm dân số huyện vẫn nghiễm nhiên được hưởng lương từ ngân sách…
Để làm rõ hơn về cách thức sử dụng lao động lạ lùng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm dân số Nguyễn Thị Mai. Tiếp nhận thông tin phản ánh, bà Mai lý giải: “Năm 2013, tôi mới bắt đầu nhận nhiệm vụ tại Trung tâm dân số huyện Thạch Thất. Vào thời điểm này, một loạt hợp đồng đã được giám đốc cũ ký từ đầu năm.”
“Khi mới nhận nhiệm vụ, tôi có nghiên cứu 2 văn bản là thông tư số 208 ngày 14/5/2008 và hướng dẫn kiện toàn số 1044 (ngày 2/8/2010), trong đó có các quy định cụ thể, cảm thấy mình không có đủ thẩm quyền để ký hợp đồng nên đã làm tờ trình lên Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất.” Bà Mai trần tình.
Tuy nhiên, không hiểu tờ trình này có tới được tay những người đứng đầu huyện Thạch Thất hay chưa mà thực tế từ cuối năm 2013 đến khi kỳ tuyển dụng tháng 7/2015 kết thúc, nhóm cán bộ dân số cấp xã vẫn làm việc trong tình trạng “trắng” hợp đồng.
Bà Mai cũng cho hay, mình chỉ có thể được ký với nhóm người lao động mới trong thời gian ngắn hạn là 3 tháng sau khi được Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất ủy quyền từ tháng 7/2014.
Lãnh đạo Trung tâm dân số cũng thật thà chia sẻ với phóng viên: “Nói chung là nó sai là sai từ trước rồi” và “nó cũng không rõ ràng lắm.”
Như vậy, ngay cả người đứng đầu Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Thạch Thất cũng không thể lý giải được nguyên nhân vì sao trong suốt hơn 1 năm liền, trung tâm này lại sử dụng lao động không có hợp đồng mà vẫn chi trả lương hàng tháng. Và quan trọng hơn, khoản lương này được lấy từ đâu?
Câu hỏi xin dành tới các cấp có thẩm quyền và chính Trung tâm dân số cũng Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất trả lời./.
VietnamPlus sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất về sự việc tới bạn đọc.