Trang mạng dailymaverick.co.za đã đăng bài phân tích của Timothy Walker - nghiên cứu viên cao cấp và Giám đốc Chương trình Hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi, đồng thời là Giáo sư về quan hệ quốc tế Christian Bueger thuộc trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và đồng Giám đốc Mạng lưới Biển an toàn - về những bài học châu Phi cần rút ra sau vụ tràn dầu tại Mauritius vừa qua.
Nội dung như sau:
Vụ chìm tàu MV Wakashio ngày 25/7 chở theo 4.000 tấn dầu đã gây ra một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất tại Mauritius và tác động tàn phá của vụ việc này dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ.
[Tàu chở hàng của Nhật Bản tràn dầu sau nhiều ngày mắc kẹt ở Mauritius]
Hơn 1.000 tấn dầu nhiên liệu bị rò rỉ tại vùng biển hoang sơ của Mauritius đã ngấm vào các lớp bùn và đang hủy hoại hệ sinh thái khu vực.
Cuộc khủng hoảng vượt quá tầm kiểm soát của một quốc gia
Cuộc khủng hoảng môi trường diễn ra trong thời điểm hết sức khó khăn đối với Mauritius.
Sự cố tràn dầu được cho là sẽ cản trở khả năng phục hồi của nền kinh tế Mauritius, vốn phụ thuộc lớn vào du lịch ven biển và đang chịu tác động nghiêm trọng từ các lệnh hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh này, Mauritius và các quốc gia châu Phi khác cần nhanh chóng xem xét lại các chiến lược dự phòng và năng lực ứng phó để lục địa có thể bắt đầu rút ra những bài học kinh nghiệm.
Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Tổ chức Hàng hải quốc tế đã hợp tác để hỗ trợ các nỗ lực của Mauritius trong việc chạy đua với thời gian nhằm bơm rút nhiên liệu khỏi con tàu MV Wakashio đã bị đứt gãy vào ngày 15/8 vừa qua.
Trong khi đó, các tình nguyện viên địa phương cũng đã áp dụng mọi biện pháp để giảm thiểu tác động của sự cố môi trường nghiêm trọng này.
Một câu hỏi được đặt ra đó là những gì đã xảy ra với MV Wakashio và tại sao tình hình lại diễn biến theo chiều hướng xấu? MV Wakashio rời Trung Quốc vào ngày 14/7 hướng đến Brazil.
Ngày 25/7, con tàu này bị mắc cạn trên các rạn san hô cách Pointe d’Esny và Công viên biển Vịnh Xanh (Blue Bay Marine Park) dọc theo bờ biển phía Đông Nam của Mauritius khoảng một dặm.
Vào thời điểm đó, tàu không ghi nhận tình trạng rò rỉ dầu và lực lượng bảo vệ bờ biển Mauritius đã nhanh chóng triển khai việc neo đậu tàu, đồng thời tiến hành các hành động ngăn chặn khác. Ngày 26/7, Chính phủ Mauritius đã kích hoạt Kế hoạch Dự phòng tràn dầu quốc gia.
Ngày 5/8, cơ quan chức năng Mauritius phát hiện một vết dầu nhỏ xung quanh con tàu. Tuy nhiên, các đánh giá vẫn cho rằng kế hoạch dự phòng đủ khả năng xử lý tình hình và “nguy cơ tràn dầu vẫn còn thấp.”
Dù vậy, sau đó tàu MV Wakashio bị ngập và chìm dần, dầu bắt đầu tràn ra biển.
Ngày 7/8, Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về môi trường. Bộ trưởng Bộ Thủy sản Sudheer Maudhoo cho rằng đây là lần đầu tiên Mauritius phải đối mặt với thảm họa tràn dầu và nước này không đủ trang bị để xử lý vấn đề.
Khi quy mô của tình trạng khẩn cấp trở nên rõ ràng và nhanh chóng “nhấn chìm” nguồn lực cùng khả năng được đưa ra trong Kế hoạch Dự phòng tràn dầu quốc gia, Mauritius đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Một số nguồn lực của Kế hoạch Dự phòng tràn dầu quốc gia là thuộc dự án Phát triển Đường cao tốc biển Tây Ấn Độ Dương và Phòng chống Ô nhiễm vùng biển và bờ biển giai đoạn 2007-2012.
Dự án cũng kêu gọi thành lập Trung tâm Điều phối ô nhiễm biển khu vực (RCC) nhằm chuẩn bị và ứng phó với tình trạng ô nhiễm biển ở khu vực Tây Ấn Độ Dương.
Theo dự kiến, trụ sở RCC sẽ đặt tại Nam Phi và theo tiến độ, việc thành lập trung tâm này đang trong giai đoạn triển khai. Có thể nói, thảm họa từ vụ chìm tàu MV Wakashio cho thấy những vụ rò rỉ và tràn dầu dù có vẻ nhỏ, nhưng cũng có thể gây ra sự tàn phá khủng khiếp như thế nào, đặc biệt khi vụ việc xảy ra ở những khu vực môi trường nhạy cảm và cực kỳ quan trọng.
Những thay đổi cần có
Sự cố chìm tàu MV Wakashio đã buộc Mauritius phải kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh châu Phi sẽ là châu lục phải đối mặt với nguy cơ lớn về sự cố tràn và rò rỉ dầu trong tương lai, câu hỏi được đặt ra là liệu các quốc gia châu Phi khác và các tổ chức khu vực có xây dựng được năng lực cần thiết để ứng phó với các cuộc khủng hoảng có quy mô tương tự như vụ chìm tàu MV Wakashio mà không phụ thuộc vào sự hỗ trợ quốc tế hay không?
Tại châu Phi, nhiều quốc gia như Mauritius thiếu một số nguồn lực hoặc năng lực cần thiết để đối phó với một thảm họa tương tự như vụ tàu MV Wakashio.
Trong bối cảnh đó, các chính phủ châu Phi cần đánh giá và cập nhật để lập kế hoạch phản ứng trong tương lai, đồng thời cần phát triển các nguồn lực và kỹ năng tập thể tốt hơn, nhiều hơn ở cấp khu vực hoặc châu lục.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác là cần cải thiện cơ chế giải trình. Theo nghĩa vụ quốc tế, các chủ sở hữu Nhật Bản của tàu MV Wakashio đã đề nghị bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra.
Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, việc tìm kiếm và xác định trách nhiệm của chủ sỡ hữu là không dễ dàng, điều có thể thấy trong cuộc điều tra vụ nổ thảm khốc ở cảng Beirut ngày 4/8 vừa qua.
Đã đến lúc các thể chế hàng hải châu Phi cần xem xét lại cách tiếp cận và xây dựng trình độ chuyên môn cùng cơ chế ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo các hành động cấp khu vực hoặc lục địa được triển khai nhanh chóng và hiệu quả khi sự cố rò rỉ dầu không thể tránh khỏi phát sinh.
Kết quả đánh giá phải được báo cáo lên các tổ chức đa phương chủ chốt – lý tưởng nhất là báo cáo cho Liên minh châu Phi (AU) - như một phần của việc thực hiện Chiến lược Hàng hải tổng hợp của châu Phi năm 2050.
Chẳng hạn, AU có thể triệu tập một diễn đàn tham vấn để chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng từ các cộng đồng kinh tế khu vực (RECs), tương tự diễn đàn Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi đã tổ chức vào năm 2018.
Ngoài ra, việc cứu trợ thiên tai là rất tốn kém, nhưng không gây tranh cãi nhiều như các vấn đề hàng hải khác, chẳng hạn như thiết lập khuôn khổ an ninh và xác định ranh giới.
Trong bối cảnh đó, châu Phi cũng có thể thúc đẩy hợp tác giữa các thể chế khu vực thuộc AU dựa trên chuyên môn và năng lực bản địa./.