Ngày 22/9 (theo giờ Hà Nội), lễ gây quỹ phục vụ hoạt động rà phá bom mìn tại Việt Nam, do dự án RENEW tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, đã diễn ra tại thủ đô Washington D.C của Mỹ.
Buổi lễ có sự tham gia của ông Tim Rieser, Trợ lý Chính sách Đối ngoại cao cấp cho Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ), đại diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và nhiều bạn bè Mỹ, đa số là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Chuck Searcy, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch dự án RENEW và cũng là một cựu chiến binh Mỹ, đã nêu bật những thành tựu của dự án sau hơn 20 năm triển khai tại tỉnh Quảng Trị của Việt Nam và nhấn mạnh thành công của dự án có sự đóng góp to lớn của các nhà tài trợ và những người ủng hộ Việt Nam.
Ông cho biết sự kiện này nhằm gây quỹ phục vụ mở rộng hoạt động rà phá bom mìn sang tỉnh Quảng Ngãi, địa phương còn rất nhiều bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại, đang đe dọa cho sự an toàn của người dân.
[Quảng Trị nỗ lực thành tỉnh đầu tiên không chịu tác động của bom mìn]
Đáng chú ý, trong số các đại biểu phát biểu trực tuyến tại buổi lễ có cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC); ông Nguyễn Viết Thanh, nhà văn Mỹ gốc Việt từng đoạt giải thưởng Pulitzer; bà Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý hoạt động Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy tại Dự Án RENEW ở Quảng Trị.
Các diễn giả đã nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam, kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay ủng hộ kinh phí cho hoạt động rà phá bom mìn và vật liệu nổ để góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
Dự án RENEW ra đời vào năm 2001, xuất phát từ ý tưởng ban đầu của chính quyền tỉnh Quảng Trị với nguồn tài trợ của các cựu chiến binh Mỹ và các tổ chức phi chính phủ (NGO), sau 21 năm triển khai đã trở thành một mô hình lồng ghép toàn diện gồm 3 hợp phần để giải quyết hậu quả chiến tranh cho tỉnh Quảng Trị, bao gồm tuyên truyền, giáo dục về nguy cơ của bom mìn chưa nổ; hỗ trợ những nạn nhân tàn tật do bom mìn và rà phá bom mìn.
Năm 2001, tỉnh Quảng Trị có gần 80 người chết và bị thương do bom mìn, nhưng đến năm 2018 đã không có tai nạn nào liên quan đến bom mìn.
Theo ông Ngô Xuân Hiền, quản lý truyền thông và phát triển dự án, dựa trên những kinh nghiệm và bài học rút ra sau 21 năm triển khai, sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, dự án RENEW muốn nối lại hoạt động gây quỹ tại Mỹ để nhân rộng mô hình này ra tỉnh Quảng Ngãi, địa phương cũng chịu hậu quả rất nặng nề của bom mìn sót lại sau chiến tranh.
Cuộc gây quỹ đã đạt mục tiêu quyên góp 100.000 USD cho hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của bom mìn và hỗ trợ các nạn nhân bị thương tật bởi bom mìn tại Quảng Ngãi, đồng thời tạo điều kiện lan tỏa thông điệp nhân văn về khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam, tăng cường hơn nữa quan hệ song phương Việt-Mỹ./.