Bàn cách tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài

Đến ngày 27/8, 5/62 địa phương có văn đề nghị trả lại kế hoạch vốn ODA với tổng giá trị 1.617 tỷ đồng, song các địa phương không điều chỉnh giảm vốn thì tỷ lệ giải ngân vốn cũng đự báo ở mức thấp.
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

“Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có văn bản ngày 28/8 gửi các cơ quan chức năng, đề nghị giảm kế hoạch vốn vay nước ngoài ODA cấp phát năm 2020 là 1.752 tỷ đồng, theo đó giá trị kế hoạch vốn ODA của Thành phố sau điều chỉnh là 3.483 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do có những số vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, như thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội và các dự án Trường nghề không ký được hợp đồng vay lại.”

Thông tin trên được ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đưa ra tại Hội nghị trực tuyến “Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020,” tại Bộ Tài chính, ngày 31/8.

Nhiều vướng mắc từ thủ tục

Năm 2020, thành phố Hà Nội được giao 9 dự án OAD với tổng vốn kế hoạch là 6.982 tỷ đồng, trong đó vốn ODA được giao là 5.235 tỷ đồng và vốn đối ứng là 735 tỷ đồng. Ngoài ra, kế hoạch vốn ODA cấp phát chuyển của năm 2019 sang là 1.010 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Toản cho biết đến hết tháng Tám, Hà Nội mới giải ngân 1.657 tỷ đồng, đạt 27,75% kế hoạch, trong đó vốn ODA giải ngân 112.3 tỷ đồng, đạt 25,07% kế hoạch và vốn đối ứng 344 tỷ đồng, đạt 46,81% kế hoạch. Bên cạnh đó, giá trị giải ngân kế hoạch năm 2019 nguồn vốn ODA cấp phát là 340 tỷ đồng, đạt 39,56% kế hoạch.

Để có được kết quả trên trong tám tháng qua, ông Toản cho hay mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng thành phố đã chỉ đạo các chủ đầu tư có biện pháp phòng chống dịch và có giải pháp triển khai các dự án ODA không bị gián đoạn. Song, những vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án lại nằm ở khâu thủ tục pháp lý, như việc tạm ứng gói thầu số 9-Hệ thống thẻ vé do Bộ Tư pháp chưa cấp hiệu lực pháp lý cho Hiệp định vay bổ sung 20 triệu Euro với Chính phủ Pháp và hợp đồng vay lại giữa Bộ Tài chính với Hà Nội đối với khoản vay nêu trên cũng chưa được ký lại…

Bàn cách tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài ảnh 1 Hội nghị trực tuyến “Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020,” tại Bộ Tài chính, ngày 31/8. (Ảnh: Vietnam+)

Tương tự, tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tốc độ giải ngân vốn ODA đạt 375 tỷ đồng/1.376 tỷ đồng kế hoạch được giao trong năm 2020 và đạt 27%.

Về yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, người đại diện của tỉnh cho biết vốn nước ngoài được giao vào tháng 12/2019 song các bộ chủ quản lập kế hoạch hoạt động và ngân sách năm 2020 chậm đồng thời một số tiểu dự án phải chờ bộ chủ quản hướng dẫn các định mức và rà soát dự án tổng (như dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển vừa được phê duyệt kế hoạch trong tháng Sáu, dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay vẫn đang điều chỉnh kế hoạch).

“Ngoài ra, quy trình rút vốn, thanh toán vốn nước ngoài phải qua nhiều cơ quan kiểm soát và mỗi dự án phải theo một quy định riêng. Do đó, chủ đầu tư còn lúng túng, mất nhiều thời gian trong triển khai các thủ tục. Cộng thêm dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hoạt động, đặc biệt là các hoạt động hiện trường của các dự án dẫn đến khối lượng giải ngân thấp,” người đại diện này chỉ ra. 

5/62 địa phương đề nghị trả lại vốn ODA

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết đến ngày 27/8, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (cấp phát) năm 2020 nguồn nước ngoài của các địa phương là 8.411 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21,86% so với dự toán được giao và tăng 9,14% so với số liệu đã báo cáo tại thời điểm Hội nghị giải ngân ngày 25/6. Trong đó, số liệu giải ngân nguồn nước ngoài cho các địa phương vay lại là 5.767 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 29,3% so với dự toán.

“Cho đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được văn bản hoặc ghi nhận thông tin 5/62 địa phương đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trả lại kế hoạch vốn, tổng số 1.617 tỷ đồng, trong đó vốn cấp phát là 953 tỷ đồng, vốn vay lại là 664 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương không điều chỉnh giảm kế hoạch vốn thì tỷ lệ giải ngân dự báo đạt ở mức thấp,” ông nói.

Ông Hà cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác từ phía địa phương làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài. Như, các địa phương tập trung vào giải ngân kế hoạch vốn năm 2019, dẫn đến chậm làm thủ tục giải ngân kế hoạch vốn 2020. Thêm vào đó, việc rút vốn tạm ứng về tài khoản của ban quản lý dự án nhiều song chậm làm thủ tục báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ nên Bộ Tài chính chưa kiểm tra và ghi nhận được trên hệ thống.

Ngoài ra, các dự án giải ngân phụ thuộc vào kết quả đầu ra sẽ cần xác nhận kiểm đếm của Kiểm toán Nhà nước, ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Thế giới. Cùng với đó, một số dự án chưa có khối lượng để giải ngân do chậm đấu thầu, chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng; dự án không tiếp nhận được thiết bị, chuyên gia từ nước ngoài do dịch bệnh COVID-19...

Thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, do vậy Thứ trưởng Trần Xuân Hà yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ để có thể hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020. Cụ thể, các địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết dự toán còn lại đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để có cơ sở giải ngân. Trường hợp không có nhu cầu phân bổ tiếp số vốn còn chưa phân bổ hoặc trả lại số vốn không sử dụng, cần báo cáo ngay Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển kế hoạch vốn.

Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo các chủ dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn và kéo dài trên 3 tháng nhưng chưa báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ cần khẩn trương hoàn tất thủ tục lập đơn rút vốn hoàn chứng từ đối với khối lượng công việc đã hoàn thành và đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi, không đợi dồn vào cuối năm mới làm thủ tục hoàn chứng từ. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân từ các tài khoản này.

Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, ông đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án để tiến hành kiểm đếm ngay cho từng dự án. Đối với Chương trình cấp điện nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương sớm rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn để thông báo cho các địa phương kịp thời điều chỉnh dự toán năm 2020, đảm bảo không giải ngân vượt vốn viện trợ đã rút về Ngân sách nhà nước.

“Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2020, toàn thể hệ thống chính trị, từ Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. Bộ cũng mong muốn các địa phương với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm đạt được kết quả giải ngân năm 2020,” ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục