Ban Chỉ đạo 389: Ứng dụng công nghệ, đấu tranh hiệu quả với hàng lậu

Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đề nghị các lực lượng giai đoạn trước, trong và sau tết cần làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn, đấu tranh mạnh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Ban Chỉ đạo 389: Ứng dụng công nghệ, đấu tranh hiệu quả với hàng lậu ảnh 1Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của lực lượng 389 Hà Nội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Hàng lậu, gian lận diễn biến phức tạp, nhất là việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh vi phạm pháp luật. Do vậy, lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp, đấu tranh hiệu quả, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Đây là yêu cầu của lãnh đạo thành phố Hà Nội tại “Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 trên địa bàn Hà Nội,” do Ban Chỉ đạo 389 thành phố tổ chức ngày 9/1.

Vẫn nóng buôn lậu qua môi trường mạng

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, sau đợt cao điểm dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh hàng hóa và dịch vụ thương mại trên địa bàn Hà Nội diễn ra sôi động, nhất là những tháng cao điểm cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán 2023.

[Cung đường vận chuyển hàng giả, hàng lậu ngày càng lắt léo]

Dù vậy, tình trạng lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng... diễn biến phức tạp, khó lường.

Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như facebook, zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng. Các mặt hàng phổ biến được phát hiện vi phạm qua thương mại điện tử bao gồm: Quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, thuốc tân dược…

Trong năm 2022, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 5.383 vụ, xử phạt 4.741 vụ vi phạm; phạt hành chính 55 tỷ 162 triệu đồng. Trị giá hàng tịch thu 23 tỷ 708 triệu đồng; trị giá hàng tiêu hủy, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm 47 tỷ 976 triệu đồng.

Tuy vậy, từ thực tiễn kiểm tra, ông Hùng cũng nêu nhiều khó khăn khi chống buôn lậu và gian lận thương mại trên môi trường mạng, bởi rất khó kiểm soát các cơ sở kinh doanh trực tuyến về địa điểm bán hàng, đăng ký thuế, điều kiện về kho chứa hàng hóa…

Do vậy, ông đề nghị lực lượng quản lý thị trường nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách, tăng cường biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh với vấn nạn này qua hình thức thương mại điện tử, thường xuyên giám sát việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn.

Các đơn vị, lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ cần tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin; ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Thông qua công tác kiểm tra, xử lý, các đơn vị cần kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử,” đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội đề xuất thêm.

Ban Chỉ đạo 389: Ứng dụng công nghệ, đấu tranh hiệu quả với hàng lậu ảnh 2Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nói về công tác đấu tranh, chống buôn lậu. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Trong khi đó, việc đấu tranh với các đầu nậu cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có sự chặt chẽ trong một số văn bản pháp luật.

Ông Phan Văn Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng đề xuất cơ quan chức năng cập nhật các chính sách văn bản về kinh doanh hàng hóa cho phù hợp với chế độ kế toán, chế độ hóa đơn chứng từ, đặc biệt khi ngành thuế đã cập nhật 100% hóa đơn chứng từ điện tử.

"Cần xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về cơ sở kinh doanh để phục vụ công tác quản lý, giảm thiểu trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, tránh chồng chéo và thuận tiện cho công tác quản lý," ông Phúc nói.

Nắm rõ phương thức để đấu tranh hiệu quả 

Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, hiện hàng hóa được các đối tượng vận chuyển, cất giữ bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau như chia nhỏ, vận chuyển thành nhiều đợt; thuê các địa điểm như nhà kho, khu chung cư, các nơi hẻo lánh ít người qua lại để làm nơi tập kết.

Đại diện Ban Chỉ đạo cũng nêu một số địa bàn trọng điểm là cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội bài, bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại thành phố Hà Nội. Đây là những tuyến đường mà lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm, bởi hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất giấu, chủ yếu là ma túy, sản phẩm động vật hoang dã, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà...

Mới đây, lực lượng Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng như Tổng Cục Hải quan, Công an Thành phố và lực lượng chức năng khác bắt giữ 48 kg ma túy tổng hợp và các vụ việc vận chuyển trái phép các chất ma túy trên các tuyến hàng không giữa Việt Nam với các nước châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... với số lượng ma túy lớn.

“Thủ đoạn của các đối tượng thường là không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn; hàng hóa vi phạm được cất giấu trong hàng hóa không vi phạm nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng,” đại diện Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội nhấn mạnh.

Thông tin thêm, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết sau bình thường hóa các đối tượng buôn lậu “trăm hoa đua nở” lợi dụng kinh doanh để vi phạm pháp luật.

Riêng tuyến Bưu điện, theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, dịch vụ chuyển phát nhanh hoạt động rất mạnh mẽ, cả trong nước và nước ngoài.

"Các hành vi gian thương rất tinh vi, các đối tượng làm mọi thủ đoạn để qua mắt lực lượng chức năng, cộng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, chỉ cần bắt vụ này các đối tượng sẽ lập đơn vị khác, thành lập nhiều công ty ma để lừa đảo....," ông Tùng cho hay.

Ban Chỉ đạo 389: Ứng dụng công nghệ, đấu tranh hiệu quả với hàng lậu ảnh 3Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội) đề nghị các lực lượng giai đoạn trước trong và sau tết cần làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn, đấu tranh mạnh các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung vào các tuyến và địa bàn trọng điểm, như đường hàng không, đường biển và qua thương mại điện tử, đồng thời xây dựng quy trình để kiểm soát lĩnh vực này.

Ông Quyền nhấn mạnh dù Hà Nội không có biên giới, cửa khẩu nhưng lại là thị trường tiêu thụ mạnh nhất, nhiều nhất. Tuy vậy, các gian thương thường tập kết ở các địa phương khác, nhiều kênh, nhiều nguồn để tập kết, xé lẻ, đưa hàng vào nội đô nên Ban chỉ đạo cần chủ động có phương án phối hợp giữa các địa phương và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để trao đổi thông tin, giải pháp để ngăn chặn kịp thời và thích ứng với vấn đề này.

Do đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác chia sẻ thông tin, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lượng lực chức năng trong kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại để ổn định thị trường, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý.

- Các vụ việc xử lý năm 2022 của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội:

Ban Chỉ đạo 389: Ứng dụng công nghệ, đấu tranh hiệu quả với hàng lậu ảnh 4
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục