Bản giao hưởng của các nền dân chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Nếu Nhật Bản và Ấn Độ tận dụng mối quan hệ để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn giữa các nền dân chủ khu vực, thì tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở có thể thực hiện được.
Bản giao hưởng của các nền dân chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1(Nguồn: theindependentbd)

Theo trang mạng project-syndicate.org, trong chuyến công du châu Á kéo dài một tuần, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence quảng bá tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở" có đặc điểm là các dòng chảy thương mại không bị cản trở, tự do hàng hải, và tôn trọng luật lệ, chủ quyền quốc gia và các đường biên giới hiện có.

Câu hỏi đặt ra là liệu tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không có "chủ nghĩa độc tài và gây hấn" có thể đạt được hay không.

Một quốc gia có vẻ sẵn sàng đóng góp để hiện thực hóa tầm nhìn này là Nhật Bản. Trên thực tế, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người khởi xướng khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" nằm ở trung tâm của chiến lược mới của Tổng thống Donald Trump, người kế nhiệm chính sách "xoay trục" sang châu Á của Barack Obama.

Từng là một cường quốc trong lịch sử, Nhật Bản đang phản ứng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc bằng cách củng cố vị trí của mình trong khu vực.

Tận dụng những lợi thế của mình - là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, các kỹ năng công nghệ cao quan trọng, và một quân đội mới đây đã được giải phóng khỏi một số ràng buộc về mặt pháp lý và hiến pháp - Nhật Bản đang thúc đẩy ảnh hưởng địa chính trị của mình.

Lực lượng hải quân tầm cỡ thế giới của Nhật Bản đã bắt đầu hoạt động vượt ra ngoài vùng biển của nước này để thiết lập vị trí của mình trong khu vực. Ví dụ, để thách thức các tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông, một tàu ngầm và 3 tàu khu trục của Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân tại đây hồi tháng 9 vừa qua.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter mới đây tuyên bố: "Việc Nhật Bản sẵn sàng tham gia vào nền an ninh châu Á khiến cho họ trở thành một người chơi ngày càng quan trọng trong khu vực."

Nhưng việc tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở không phải là công việc của một quốc gia. Việc thiết lập cán cân quyền lực ổn định cần thiết để hiểu rõ tầm nhìn của Pence sẽ đòi hỏi tất cả các nền dân chủ lớn trong khu vực - từ Nhật Bản và Ấn Độ đến Indonesia và Australia - liên kết lại.

[Bốn quốc gia thúc đẩy an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Tin tốt là Abe dường như nhận thức rõ tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các cường quốc dân chủ ở châu Á. Ví dụ, khi thảo luận về liên minh tự nhiên giữa nền dân chủ giàu nhất khu vực và nền dân chủ lớn nhất trong khu vực, Thủ tướng Nhật Bản đã tuyên bố: "Một Ấn Độ mạnh sẽ mang lại lợi ích cho Nhật Bản và một Nhật Bản mạnh sẽ có lợi cho Ấn Độ."

Với suy nghĩ đó, Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi mới đây đã tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh mở đường cho một hiệp ước về hậu cần quân sự, theo đó sẽ cho phép cho các lực lượng vũ trang của mỗi nước tiếp cận các căn cứ của nước kia.

Ngoài việc bắt đầu một cuộc đối thoại 2 + 2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước, Abe và Modi đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hàng hải và hải quân, và cộng tác trong các dự án ở các nước thứ ba, bao gồm Myanmar, Bangladesh và Sri Lanka, nhằm thúc đẩy sự kết nối chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại hội nghị thượng đỉnh, Nhật Bản và Ấn Độ đã đưa ra một phương châm mới cho mối quan hệ song phương: "Chia sẻ an ninh, chia sẻ thịnh vượng và chia sẻ số phận". Sự thoải mái và thân thiết giữa Abe và Modi trong cuộc gặp song phương được tổ chức tại khu nghỉ riêng của Abe gần núi Phú Sĩ tương phản hoàn toàn với những biểu hiện lạnh lùng và những cái bắt tay ảm đạm được thể hiện chỉ hai ngày trước đó, khi Abe gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.

Sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản đã làm phát triển thêm các cuộc tập trận hải quân ba bên mang tên "Malabar" giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Malabar đã trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi 2/3 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu vận chuyển qua đây.

Nếu Ấn Độ đã ký một thỏa thuận hậu cần quân sự với Nhật Bản, như họ đã ký với Mỹ, hải quân Ấn Độ đã có thể mở rộng dấu chân của mình sang Tây Thái Bình Dương, đồng thời cho phép Nhật Bản triển khai sức mạnh hải quân của mình ở Ấn Độ Dương.

May thay, các mối quan hệ giữa 4 nền dân chủ hàng hải then chốt ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ - mạnh hơn bao giờ hết, thể hiện qua những trao đổi cấp cao và chia sẻ thông tin tình báo. Các quốc gia này nên thể chế hóa sáng kiến "Bộ tứ" của họ, với cặp Ấn Độ-Nhật Bản tạo thành nền tảng cho những nỗ lực nhằm theo đuổi sự hợp tác mở rộng hơn trong khu vực.

Tuy nhiên, sự hợp tác như vậy sẽ đối mặt với những trở ngại đáng kể. Trước hết, mối quan hệ giữa Nhật Bản và đồng minh thân cận nhất ở Đông Á của Mỹ là Hàn Quốc tiếp tục bị chi phối bởi các vấn đề lịch sử.

Vấn đề "phụ nữ mua vui" - tức những phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, là vấn đề đặc biệt gây bất đồng giữa hai nước từ lâu nay.

Một thỏa thuận năm 2015, đã được Abe và cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thông qua, tuyên bố giải quyết vấn đề "không thể thay đổi": đó là Nhật Bản đưa ra lời xin lỗi và góp 1 tỷ yen (8,8 triệu USD) vào một quỹ được lập ra để giúp đỡ các nạn nhân.

Nhưng đầu năm nay, người kế nhiệm của Park, ông Moon Jae-in, đã bác bỏ thỏa thuận này, cho rằng nó không đáp ứng thỏa đáng các nạn nhân hay công chúng.

Gần đây hơn, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra lệnh cho một nhà sản xuất thép lớn của Nhật Bản bồi thường "các nạn nhân lao động cưỡng bức" trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ, mặc dù thỏa thuận song phương năm 1965 được cho là đã giải quyết "hoàn toàn và dứt khoát" tất cả những yêu cầu như vậy.

Một trở ngại tiềm năng khác cho sự hợp tác giữa các nền dân chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là sự bất ổn trong nước ở các nước then chốt.

Ví dụ, ở Sri Lanka, Tổng thống Maithripala Sirisena đã "hất cẳng" Thủ tướng Ranil Wickremesinghe (mặc dù đảng của ông này chiếm đa số trong Quốc hội) và kêu gọi tiến hành bầu cử trước thời hạn, mặc dù Hiến pháp không trao cho ông quyền hạn để làm điều này.

Sự suy yếu của nền dân chủ trong nước có thể làm phân nhánh chiến lược cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thống nhất về kinh tế nhưng lại bị chia cắt về chính trị.

Mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Nhật Bản và Ấn Độ phục vụ mục tiêu ngăn chặn một Trung Quốc nổi lên ở trung tâm châu Á. Nếu Nhật Bản và Ấn Độ - các nước có ảnh hưởng nhất trong khu vực (sau Trung Quốc) - có thể tận dụng mối quan hệ này để thúc đẩy quá trình hướng đến sự hợp tác sâu rộng hơn giữa các nền dân chủ trong khu vực, thì tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở có thể thực hiện được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục