Chiều 22/9, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức “Lễ bàn giao Khu trưng bày Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội.”
Tại buổi lễ, các bên đã ký 3 biên bản bàn giao và Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc bảo quản và phát huy giá trị các cấu kiện di tích, di vật tại Khu trưng bày những khám phá khảo cổ học dưới dòng đất Nhà Quốc hội.
Khu trưng bày là một dự án thành phần trong tổng thể công trình xây dựng Nhà Quốc hội, là nơi lưu giữ và kết nối giữa truyền thống và hiện đại, phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực cao nhất trong lịch sử suốt từ thời kỳ tiền Thăng Long xưa kia đến trung tâm chính trị Ba Đình ngày nay.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu rõ mục đích của dự án là tạo nên sự độc đáo cũng như tính kết nối giữa truyền thống và hiện đại để tòa Nhà Quốc hội trở thành điểm nhấn quan trọng trong không gian khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Sự thành công của dự án khẳng định rõ Khu trưng bày đã mang lại diện mạo mới cho Nhà Quốc hội, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy di sản Hoàng Thành Thăng Long, là điểm nhấn quan trọng trong việc tiếp đón, quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam tới lãnh đạo các quốc gia, quần chúng nhân dân và du khách quốc tế trong thời gian tới.
[Làm rõ thêm giả thiết thành Đại La ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long]
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang nhấn mạnh công tác duy tu, bảo dưỡng, quản lý, vận hành cần phát huy giá trị của Khu trưng bày, đồng thời công tác mở cửa phục vụ công chúng, du khách quốc tế cần được quan tâm sâu sắc trong thời gian tới.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi tiếp nhận bàn giao, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phát huy hiệu quả hoạt động của khu trưng bày cũng như việc bảo tồn, bảo quản di tích, di vật.
Thời gian tới, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội sẽ chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Văn phòng chú trọng triển khai công tác đón tiếp, hướng dẫn và phổ biến thông tin để công chúng có thể thuận tiện trong việc đăng ký tham quan.
Cùng với việc giới thiệu về kinh thành Thăng Long xưa, Văn phòng Quốc hội sẽ kết hợp để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về tổ chức, hoạt động của Quốc hội, tổ chức công tác tham quan Nhà Quốc hội, dự thính các phiên họp của Quốc hội, giúp người dân khi đến tham quan Nhà Quốc hội nhận thức rõ về bề dày truyền thống lịch sử và giá trị của khu vực trung tâm chính trị Ba Đình…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, sau buổi Lễ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thực hiện kế hoạch và lộ trình bàn giao di vật khu di tích Hoàng Thành Thăng Long và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội trong những năm tiếp theo để thực hiện nhất thể hóa quản lý khu di sản; chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan của Văn phòng Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lập kế hoạch thực hiện, hằng năm tiếp tục bảo quản thật tốt các di tích, di vật đang được trưng bày và được lưu tại kho bảo quản nhằm phục vụ tốt nhất, phát huy giá trị khu di tích.
Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội nằm bên dưới 2 tầng hầm phía Đông của tòa Nhà Quốc hội. Đây là khu trưng bày tái hiện những phát hiện quan trọng của khảo cổ học tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội.
Cuộc khai quật năm 2008-2009 đã phát hiện được 140 di tích cùng hàng chục ngàn di vật khảo cổ của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau, minh chứng tòa Nhà Quốc hội nằm ở vị trí phía Tây Nam của Cấm thành Thăng Long xưa.
Những giá trị tiêu biểu, đặc sắc nhất của các loại hình di tích và di vật từ cuộc khai quật được giới thiệu sinh động tại Tầng hầm 1 và Tầng hầm 2, được cấu trúc theo lát cắt địa tầng khảo cổ, theo diễn biến thời gian. Nội dung trưng bày được thể hiện lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật, trong đó di tích là “hồn cốt” của trưng bày./.