Bản “Tổ khúc Kiều” được tôn vinh tại Nhà Văn hóa Thế giới ở Thủ đô Berlin

Tối 1/3, bản "Tổ khúc Kiều" được ban nhạc Zafraan Ensemble trình diễn trong không gian thính phòng tại Nhà Văn hóa Thế giới, được xây dựng từ năm 1956-1957 bên bờ Sông Spree ở Thủ đô Berlin.

“Tổ khúc Kiều” của Giáo sư Đặng Ngọc Long (thứ ba, phải) được trình diễn với guitar, sáo, clarinet, violin và piano tại Nhà Văn hóa Thế giới ở Berlin. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
“Tổ khúc Kiều” của Giáo sư Đặng Ngọc Long (thứ ba, phải) được trình diễn với guitar, sáo, clarinet, violin và piano tại Nhà Văn hóa Thế giới ở Berlin. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tối 1/3, trong khuôn khổ Triển lãm "ECHOS DER BRUDERLÄNDER," một dự án đa ngành nhằm nghiên cứu các di sản quan hệ quốc tế, trong đó có cả hoạt động văn hóa, nghệ thuật hồi tưởng quá khứ giữa Cộng hòa Dân chủ Đức và các quốc gia anh em, diễn ra tại Nhà Văn hóa Thế giới ở Berlin, ban nhạc thính phòng hiện đại Zafraan Ensemble đã có một buổi trình diễn sáu tác phẩm của sáu nước Algeria, Angola, Cuba, Ghana, Chile và Vietnam (là những nước anh em thời Đông Đức cũ).

Nghệ sỹ guitar, Giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long, đại diện cho người Việt Nam sống thời Đông Đức, đã được mời tham gia trình diễn trong ban nhạc Zafraan Ensemble.

Bản Suite Kiều (Tổ khúc Kiều) một lần nữa lại “kiêu hãnh” vang lên trong không gian thính phòng tại Nhà Văn hóa Thế giới, cũng được xây dựng từ năm 1956-1957 bên bờ Sông Spree.

Đây cũng chính là bản nhạc ông viết thêm cho nhóm nhạc Zafraan Ensemble theo yêu cầu của ban nhạc này, để trình diễn với guitar và sáo, clarinet, violin, piano.

Càng tự hào hơn khi trong khán phòng chật ních khán giả, có không ít người Việt Nam, từng học tập, sinh sống và làm việc từ thời Cộng hòa Dân chủ Đức, đổ về xem đêm nhạc đặc biệt cũng như có thể sống lại với những ký ức đáng nhớ của chính họ hàng chục năm trước.

Nhiều người sống ở những bang rất xa, hàng trăm cây số cũng tìm về, để được thưởng thức “Tổ khúc Kiều” của Giáo sư Đặng Ngọc Long.

Tất cả, họ biết Nghệ sỹ Đặng Ngọc Long qua những tác phẩm mang đậm những hoài niệm về quê hương, nơi mà họ nhìn thấy hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình...

Dù sống xa Tổ quốc và nhiều năm hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài nhưng hình ảnh quê hương luôn ẩn hiện trong nét nhạc và giai điệu của mỗi tác phẩm Đặng Ngọc Long.

to khuc kieu_berlin_2.jpg
Giáo sứ Đặng Ngọc Long (thứ tư, phải) chụp ảnh cùng một số khán giả Việt Nam, trong đó có Đại sứ Vũ Quang Minh (thứ hai, phải), tại đêm nhạc của ban nhạc thính phòng hiện đại Zafraan Ensemble. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Truyện Kiều bằng âm nhạc có tên “Tổ khúc Kiều” với chất liệu Việt Nam trên nền tảng hòa âm của châu Âu, do Giáo sư Đặng Ngọc Long sáng tác năm 2016. Giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long có một lịch sử gắn bó lâu dài với âm nhạc Việt.

Ông là người mang văn hóa trong âm nhạc Việt Nam, từ dân ca Nghệ Tĩnh đến dân ca quan họ để phổ biến rộng rãi trong nền âm nhạc châu Âu.

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Cuộc thi Guitar Quốc tế Berlin, Đặng Ngọc Long là người đã đưa các bài dân ca Việt Nam trở thành các bài phối ở trong cuộc thi âm nhạc lớn này.

Cũng một lần nữa để quảng bá cho âm nhạc Việt thì ông đã soạn ra bảy Tổ khúc Kiều (Suite Kiều) để tôn thêm giá trị của bản dịch Kiều tiếng Đức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục