Báo Anh: Australia đang cân nhắc "xoay trục" sang Trung Quốc

Tờ Thời báo Tài chính cho rằng Chính phủ Australia đang cân nhắc "xoay trục" sang Trung Quốc sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Báo Anh: Australia đang cân nhắc "xoay trục" sang Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: news.com.au)

Tờ Thời báo Tài chính (Anh) ngày 16/11 cho rằng Chính phủ Australia đang cân nhắc "xoay trục" sang Trung Quốc sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực sự "nhấn chìm" Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Chính quyền Barack Obama từng tích cực theo đuổi, thì Canberra sẽ đi tìm những đồng minh mới.

Thực tế, chiến thắng của ông Trump buộc tất cả các đồng minh thân cận của Mỹ trên toàn thế giới phải tính toán lại chính sách đối với Washington.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, mặc dù không đưa ra bất cứ một lộ trình toàn diện và rõ ràng nào về chính sách đối ngoại, nhưng ông Trump đã ám chỉ đến khả năng nước Mỹ sẽ "triệt thoái" để lui về cố thủ bằng nhiều công cụ bảo hộ.

"Cơn địa chấn" mang tên Donald Trump ngay lập tức đã lan tỏa khắp thế giới, khiến người ta không khỏi quan ngại về nguy cơ bất ổn khi các nước điều chỉnh sâu rộng chính sách của mình.

Nhiều cách tiếp cận chính sách khác nhau đang được đồng minh của Mỹ trên toàn cầu xem xét và áp dụng. Chính phủ Đức do Thủ tướng Angela Merkel lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với tân Tổng thống Mỹ, và nhấn mạnh rằng quan hệ hai nước dựa trên những giá trị chung.

Thủ tướng Theresa May và Chính phủ Anh cũng đang nỗ lực "hâm nóng" mối quan hệ với Mỹ trong bối cảnh London chuẩn bị kích hoạt Điều 50 (Hiệp ước Lisbon) để khởi động tiến trình ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Từ Đông Bắc Á, Chính phủ Nhật Bản đã bỏ qua mọi lễ nghi ngoại giao khi Thủ tướng Shinzo Abe quyết định bay đến New York để gặp gỡ và thảo luận với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 17/11.

Dường như các đồng minh thân cận của Mỹ trên toàn cầu đang hối hả điều chỉnh chính sách với những động thái khá rõ ràng để kịp thời thích nghi với hoàn cảnh mới.

Về phần mình, không phải đến nay, Australia mới tính đến phương án cân bằng ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Cũng như các nước khu vực, Australia tìm đến Trung Quốc để thỏa mãn lợi ích thương mại-đầu tư, trong khi họ vẫn nỗ lực duy trì mối quan hệ với Mỹ để đảm bảo an ninh-quốc phòng.

Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Chính phủ Australia cũng đã có những động thái chính sách chứng tỏ họ đã kịp thời thích ứng với bối cảnh tình hình. Australia nhanh chóng thúc đẩy mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhằm duy trì thế cân bằng cần thiết.

Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Tài chính, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo nói rằng Canberra sẽ nỗ lực thúc đẩy để có thể thiết lập Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương.

Đây là sáng kiến thương mại do Trung Quốc hậu thuẫn, gồm 16 nước châu Á-Thái Bình Dương, ngoại trừ Mỹ. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Washington đã theo đuổi TPP - một hiệp định thương mại thế hệ mới đầy tham vọng nhằm kết nối không chỉ các đồng minh của Mỹ mà tất cả các quốc gia khu vực, từ đó tạo đối trọng với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, "mây đen" đang bao phủ lên triển vọng TPP khi ông Trump thắng cử. Với quan điểm bảo hộ mậu dịch, ông Trump đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng ông sẽ phủ quyết TPP./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục