Báo cáo giải trình, chỉnh lý dự án Luật tiếp công dân

Chiều 29/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tiếp công dân.
Chiều 29/8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể lần thứ 11, cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tiếp công dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông đã trình bày Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tiếp công dân, tập trung vào các vấn đề như: Mối quan hệ giữa tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Tổ chức tiếp công dân tập trung tại trụ sở tiếp công dân; Tiếp công dân của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu quốc hội.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tập trung vào các nội dung như: tên gọi của Luật; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, có trách nhiệm tiếp công dân; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc tiếp công dân; quy trình tổ chức tiếp công dân, xử lý trường hợp nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân.

Các đại biểu cho rằng Luật đã có nhiều tiến bộ nhưng cần có một bước đột phá hơn. Luật cần quy định cụ thể về việc từ chối tiếp nhận tiếp công dân, nhất là một số nơi đang thí điểm mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện; cần có hệ thống tiếp dân riêng của Trung ương Đảng; quy định về cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở Trung ương cũng như địa phương cần phải gọn hơn, trong đó cấp huyện chỉ cần một phòng tiếp công dân...

Để thực thi, giải quyết tốt việc tiếp công dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh cho rằng: Cần quy định rõ ràng nội dung tiếp công dân, các quy trình, thủ tục cụ thể để gắn kết các cơ quan chức năng trong việc giải quyết khiếu nại, phản ánh của công dân. Các cơ quan tiếp công dân cũng có thể giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân qua đường công văn, thư từ chuyển phát nhanh, để thuận tiện cho công dân.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu; đồng thời mong muốn các đại biểu tiếp tục đóng góp các ý kiến nhằm hoàn thiện hơn nữa Dự án Luật tiếp công dân, trước khi trình Quốc hội thông qua./.

Vũ Tiến Lực (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục