Báo cáo PCI 2016: Vẫn phổ biến tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016.
Báo cáo PCI 2016: Vẫn phổ biến tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp ảnh 1Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI trả lời phỏng vấn báo chí tại buổi công bố Báo cáo PCI 2016, ngày 14/3. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 14/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016. Tại đây, phóng viên VietnamPlus đã thực hiện cuộc trao đổi cùng ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI, xung quanh kết quả Báo cáo PCI 2016.

Chất lượng đào tạo “khởi sắc”

- Thưa ông, Báo cáo chỉ số PCI cho thấy sự cải thiện như thế nào trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh giai đoạn 2006-2016?

Ông Đậu Anh Tuấn: Khảo sát PCI trong suốt giai đoạn 2006- 2016 cho thấy những cải thiện rõ rệt nhất tại các lĩnh vực gia nhập thị trường, đào tạo lao động, tính năng động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

[Doanh nghiệp FDI ở Việt Nam thừa nhận tình hình tham nhũng vặt giảm]

Có thể thấy như thế này, nếu năm 2006, một doanh nghiệp tại tỉnh “trung vị” mất 20 ngày để đăng ký thành lập doanh nghiệp, thì nay họ chỉ cần tới 7 ngày, đây mức thấp kỉ lục trong vòng 12 năm điều tra PCI.

Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn một tháng để có thể chính thức đi vào hoạt động đã giảm một nửa, từ 26% xuống còn 13%.

Về đào tạo lao động cũng là điểm tích cực. Sau những sụt giảm ở năm 2008, mức độ hài lòng với chất lượng đào tạo lao động đã tăng dần trở lại. Trong năm 2016, 47% doanh nghiệp tại tỉnh “trung vị” hài lòng với chất lượng giáo dục phổ thông của địa phương (năm 2008 là 35%). Thêm vào đó, 33% doanh nghiệp cho biết họ hài lòng với chất lượng đào tạo dạy nghề hiện nay (năm 2008 là 19,8%).

Bên cạnh đó, ca chỉ tiêu đánh giá về tính năng động của chính quyền địa phương từ năm 2006 tới nay cũng được ghi nhận với những chuyển biến khả quan.

Tỉ lệ doanh nghiệp nhận định về chính quyền tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh, đã tăng từ 47% (năm 2011) lên đến 57% (năm 2016).

Đáng chú ý, chỉ tiêu linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, được đánh giá 70,5%, trong khi tỷ lệ này ở năm 2011 chỉ đạt hơn 10%. Ngoài ra, chỉ tiêu về thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân cũng tăng tăng thêm 9 điểm phần trăm (44%) so với năm 2015.

Tính minh bạch “thụt lùi”

- Bên cạnh những mặt đạt được, theo ông đâu là những yếu tố mà các chính quyền địa phương cần phải tiếp tục cải thiện trong hoạt động điều hành?

Ông Đậu Anh Tuấn: Báo cáo cho thấy một số xu hướng đáng quan ngại tập trung tại một số lĩnh vực, như tính minh bạch.

[Doanh nghiệp vẫn phàn nàn tiếp cận đất đai là trở ngại chính]

Các doanh nghiệp cho điểm tại các tiêu chí tiếp cận các loại tài liệu về kế hoạch (như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư...), tiếp cận các tài liệu pháp lý lần lượt là 2,39 điểm và 3,1 điểm, thậm chí còn thấp hơn có với mức khởi điểm (năm 2016 là 2,63 điểm và 3,15 điểm).

Điểm đáng ngại khác mà doanh nghiệp chỉ ra, đó là mối quan hệ cá nhân với công chức Nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng để có thể tiếp cận các thông tin, tài liệu thiết yếu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Năm 2016, có tới 66% doanh nghiệp cho biết phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, số điểm này cao hơn mức 16 điểm phần trăm so với mốc thấp lịch sử (năm 2008).

Cần phải chú ý, mức biến động của chỉ tiêu này tương đối mạnh, trồi sụt theo thời gian và chưa có xu hướng cải thiện ổn định, bền vững.

Thêm vào đó chi phí không chính thức (giai đoạn 2014- 2016) chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006.

Năm nay, 66% doanh nghiệp tiết lộ, họ thường xuyên phải chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12-15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013.

Đáng tiếc hơn cả, có đến 9%-11% doanh nghiệp cho hay, các khoản chi cho riêng khoản mục không chính thức lên trên 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp và cao hơn hẳn mức 6%-8% giai đoạn 5 năm trở lại đây.

Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, mặc dù đã được cải thiện đôi chút trong hai năm gần đây (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn là mức cao so với kết quả điều tra các năm trước đó (2006-2012).

Sân chơi thiếu bình đẳng

- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ, doanh nghiệp tư nhân đã có thể “xả hơi” chơi cùng sân ​với doanh nghiệp Nhà nước hay chưa?

Ông Đậu Anh Tuấn: Kết quả thăm dò cho thấy thật đáng buồn, khi mà chỉ tiêu chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đang ở mức thấp lịch sử kể khảo sát PCI.

Liên tục trong 3 năm (2014-2016), cứ ba doanh nghiệp được hỏi thì có một doanh nghiệp trả lời, họ phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính, điều này tương ứng khoảng 35% và là tỷ lệ cao kỷ lục bởi trước đây tỷ lệ này chỉ khoảng 1/5 hoặc đôi khi 1/10 (năm 2011).

Cụ thể, số lần thanh, kiểm tra hàng năm đối với doanh nghiệp tư nhân mặc dù 1 lần trong năm, song thời gian trung bình cho mỗi cuộc thanh, kiểm tra thuế (năm 2016) lại tăng trở lại mức 8 giờ (tương ứng với giai đoạn 2013-2014 và 2006-2008).

Doanh nghiệp than thở, họ phải thực hiện nhiều giấy tờ thủ tục hơn, phải đi lại nhiều lần hơn, trong khi hiệu quả làm việc của cán bộ công chức thấp hơn, các thủ tục hành chính trên suốt chặng đường hoạt động của doanh nghiệp dường như chưa bao giờ thôi là “gánh nặng” đối với họ.

Về tiếp cận đất đai, tình hình sử dụng đất theo đánh giá của doanh nghiệp trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Họ cho rằng rủi ro bị thu hồi đất của họ ở mức cao kỉ lục (1,73 điểm). Trong trường hợp xấu nhất nếu bị thu hồi, chỉ 25% doanh nghiệp tin tưởng sẽ được đền bù thỏa đáng (giảm mạnh so với các năm trước là 30%-40%).

Cạnh tranh bình đẳng vẫn là vấn đề nhức nhối đối với doanh nghiệp tư nhân. Kết quả điều tra PCI (tại các chỉ tiêu gốc 2006-2016) vẫn tồn tại một “sân chơi” chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố Việt Nam.

Thiệt thòi nhất vẫn là nhóm doanh nghiệp dân doanh quy mô nhỏ và vừa. Trong hai năm qua, hơn 38% doanh nghiệp vẫn cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp” (tăng 6% so với năm 2013) đồng thời hơn 42% doanh nghiệp đồng ý “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước” (tăng 14% so với năm 2013).

Về thiết chế pháp lý, tỉ lệ doanh nghiệp tham gia điều tra PCI cho rằng “nếu một cán bộ làm trái quy định Nhà nước, hệ thống pháp luật sẽ có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi của cán bộ đó” điêu này chưa có sự cải thiện./.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI, trao đổi với báo chí xung quanh kết quả Báo cáo PCI 2016.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục