Báo chí đồng hành cùng bảo hiểm xã hội trong thời kỳ mới

Nhiều tham luận cho rằng cần có thêm kênh truyền thông chuyên biệt về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phục vụ được nhiều đối tượng khác nhau.
Báo chí đồng hành cùng bảo hiểm xã hội trong thời kỳ mới ảnh 1Phòng giao dịch Một cửa tại BHXH thành phố Pleiku (Gia Lai). (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 10/8, tại thành phố Nha Trang, Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Tạp chí Người làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo lần thứ V với chủ đề: "Báo chí đồng hành cùng Bảo hiểm xã hội vì mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội trong thời kỳ mới.” 

Hội thảo nhằm hưởng ứng sự kiện Hội nghị lần thứ 35 Hiệp hội An sinh xã hội Đông Nam Á năm 2018, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Chín tới tại Nha Trang; đồng thời mang ý nghĩa góp phần đưa Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020, Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đi vào đời sống thực tiễn.

Gần 40 tham luận được trình bày tại Hội thảo đã nhìn nhận chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay của Việt Nam đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội.

Hiện nay, cả nước có hơn 14 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, 11,8 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và gần 81,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.

Tại Khánh Hòa, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội chiếm trên 26% so với tổng số lao động trong độ tuổi, gần 87% số dân toàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế.

[Xử phạt nặng trốn đóng bảo hiểm xã hội: Nợ có xu hướng giảm]

Ông Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh Bảo hiểm xã hội luôn là đề tài phong phú, đa dạng của báo chí Khánh Hòa, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách lớn về bảo hiểm xã hội nói chung.

Tuy nhiên, một số tin bài phản ánh trong báo chí thời gian qua chưa thực sự khách quan, gây hiệu ứng xã hội không tốt, khiến một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội.

Theo nhà báo Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, hiện nay không ít công dân, các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn gượng ép khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, thông tin về bảo hiểm xã hội dù được đăng tải đều đặn trên tất cả các loại hình báo chí với nhiều hình thức thể hiện khác nhau nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Hội thảo đã phân tích trách nhiệm xã hội của nhà báo khi thông tin, tuyên truyền về bảo hiểm xã hội; đề xuất những nhóm giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng thông tin về bảo hiểm xã hội…

Nhiều tham luận cho rằng cần có thêm kênh truyền thông chuyên biệt về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phục vụ được nhiều đối tượng khác nhau.

Nhà báo Lê Ngọc Minh, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao động và Xã hội khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho rằng, cơ quan Bảo hiểm xã hội Khánh Hòa cần chủ động phối hợp hơn nữa đối với các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin, tăng cường tập huấn, phổ biến những kiến thức chuyên ngành để lực lượng báo chí nắm vững khi tác nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục