Báo Cuba hồi tưởng chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Lãnh tụ Fidel

Trang web của Radio Reloj dành không gian hồi tưởng hành trình mạo hiểm của Tổng tư lệnh Fidel Castro cách đây tròn 50 năm tới vùng đất lửa Quảng Trị của Việt Nam tháng 9/1973 với bức ảnh lịch sử.
Báo Cuba hồi tưởng chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Lãnh tụ Fidel ảnh 1Bài viết trên trang Radio Reloj ngày 12/9. (Ảnh chụp màn hình)

Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, “Vì Việt Nam, chúng ta nguyện hiến dâng cả máu” là tiêu đề của một bài viết đăng tải trên trang web của Radio Reloj ngày 12/9 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chuyến thăm đầu tiên của Fidel Castro tới Việt Nam và vùng mới giải phóng miền Nam Việt Nam (9/1973).

Radio Reloj đã dành không gian để hồi tưởng hành trình mạo hiểm của Tổng tư lệnh Fidel Castro cách đây tròn 50 năm tới vùng đất lửa Quảng Trị và trở thành nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên và duy nhất trên thế giới vượt Vĩ tuyến 17.

Câu nói “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” lần đầu tiên được cố lãnh tụ Fidel nói trong cuộc míttinh tại Quảng trường Cách mạng José Martí ở La Habana ngày 2/1/1966, nhân kỷ niệm ngày Cách mạng Cuba thành công (1/1/1959-1/1/1966) và chào mừng Hội nghị Đoàn kết Á-Phi-Mỹ Latinh.

Lời bất hủ ấy thể hiện tình cảm ruột thịt, sự sẵn sàng hy sinh, sẻ chia của Cuba đối với người đồng chí, anh em Việt Nam.

Trong những thời khắc vô cùng cam go trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, Tổng tư lệnh Fidel đã biến những chuyến công du nước ngoài thành cơ hội vận động chính phủ và nhân dân các nước đoàn kết, ủng hộ Việt Nam.

Những cuộc tuần hành quần chúng ở Cuba thể hiện đoàn kết với Việt Nam luôn có sự xuất hiện, đồng hành của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Cuba.

Vượt qua khoảng cách xa xôi về địa lý, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, Cuba luôn sát cánh, hỗ trợ Việt Nam với tinh thần một người bạn chân thành, một người đồng chí tin cậy.

Cuba luôn là biểu tượng và đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam chống đế quốc Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước.

Radio Reloj nhấn mạnh Cuba đã hết mình ủng hộ Việt Nam ngay từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 12/1960, trong bối cảnh đảo quốc anh em này cũng gặp nhiều khó khăn do bao vây cấm vận.

[Lễ Kỷ niệm 50 năm chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam của Lãnh tụ Fidel]

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cố lãnh tụ Fidel, Ủy ban Cuba Đoàn kết với miền Nam Việt Nam ra đời ngày 25/9/1963, lan tỏa tình đoàn kết, ủng hộ Việt Nam tới khắp trường học, bệnh viện, nhà máy, công trường, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân Cuba.

Với khẩu hiệu “Tất cả vì Việt Nam,” phong trào đoàn kết với Việt Nam đã lan tỏa rộng khắp đất nước Cuba. Không nơi nào trên thế giới có hàng nghìn nhà máy, trường học, khu phố mang tên các anh hùng, các địa danh của Việt Nam, như ở Cuba.

Tình đoàn kết, sẻ chia thể hiện bằng những hành động “chia lửa” với Việt Nam. Nhân dân Việt Nam không quên hình ảnh bạn bè Cuba trong những năm tháng gian khó, vừa chống giặc, vừa xây dựng đất nước.

Những chuyên gia, thủy thủ, công nhân Cuba sát cánh bên bộ đội và nhân dân Việt Nam trong bom đạn trên đất cảng Hải Phòng, xây dựng Đường Trường Sơn, Bệnh viện Hữu nghị Đồng Hới (Quảng Bình), hay Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội)...

Nhiều con đường, nhà máy, công trình thiết yếu quan trọng trên mọi miền đất nước Việt Nam còn lưu dấu bàn tay lao động và sức sáng tạo của bạn bè Cuba, những người đã làm hết những gì có thể để giúp Việt Nam vực dậy sau chiến tranh.

Cuba là nước đã có vai trò rất quan trọng trong việc vận động các nước Mỹ Latinh ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc tại khóa 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1977.

Cũng chính Cuba, mà trực tiếp là lãnh tụ Fidel, đã hô vang khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam” giữa cuộc míttinh của hàng triệu quần chúng tại thủ đô La Habana đoàn kết với Việt Nam trước cuộc tấn công xâm lược ở Biên giới phía Bắc tháng 2/1979.

Đó chính là chất Cuba, là chất Fidel trong tình cảm, đoàn kết, ủng hộ nồng hậu, vô điều kiện đối với Việt Nam, làm nên mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là hình mẫu của quan hệ quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục