Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo Hiến pháp

Buổi tọa đàm với chủ đề “Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" được tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội.

Sáng 9/12, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân khẳng định ngày 2/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt gần 500 đại biểu Quốc hội và 90 triệu người dân Việt Nam đã chính thức ký chứng thực Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và ngày 8/12, Hiến pháp chính thức được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang ký lệnh công bố. Đây là sự kiện lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam.

Bản Hiến pháp sửa đổi là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thể hiện tinh thần đổi mới, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Với nhiều nội dung mới, đặc biệt là những nội dung liên quan đến Chương 2 “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân,” bản Hiến pháp mới đang được đồng bào và chiến sỹ cả nước cùng kiều bào ở nước ngoài quan tâm đón nhận.

Cũng vào thời điểm chuẩn bị thông qua bản Hiến pháp mới, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên. Đây cũng là thời điểm Liên hợp quốc và các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Nhân quyền Thế giới (10/12/1948-10/12/2013).

Các đại biểu đã phân tích, làm rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp sửa đổi. Qua đó khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Ðảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề quyền con người, thành tựu đảm bảo quyền con người ở Việt Nam trên thực tế; góp phần phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Đồng thời đấu tranh với những thế lực muốn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Nhiều ý kiến đã nêu lên những điểm mới trong Hiến pháp, kết quả của quá trình tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân nhằm hoàn thiện các nội dung hiến định về quyền con người; trách nhiệm của các cấp, các ngành nhằm tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp; những vấn đề đặt ra trong việc giải quyết các quan hệ quốc tế về quyền con người, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về nhân quyền...

Tiến sỹ Ngô Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội cho biết liên quan đến quyền con người, quyền công dân, qua tổng kết việc lấy ý kiến nhân dân có gần 7,5 triệu ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về vấn đề này.

Đa số ý kiến đóng góp đều hoan nghênh, đồng tình với các nội dung được sửa đổi, bổ sung ở chương này vì cho rằng quyền con người là một trong những giá trị cao quý của nhân loại, đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tiến sỹ Ngô Trung Thành phân tích Hiến pháp mới đã quy định đầy đủ, đúng đắn hơn về quyền con người, quyền công dân; có sự phân định rõ ràng về quyền con người, quyền công dân; xác định chính xác, đầy đủ hơn một số quyền con người, quyền công dân; đồng thời cũng đưa ra các quy định nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền này...

Như vậy, so với Hiến pháp 1992, Hiến pháp mới đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Hiến pháp cũng bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình gần 30 năm đổi mới ở Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn về quyền con người của Liên hợp quốc, Công ước về các quyền dân sự chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội...

Đánh giá bản Hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiến bộ, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, ông Tưởng Duy Kiên, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người cho rằng việc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học và nhân dân chuyển nội dung quyền công dân từ Chương V lên Chương II: "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" không phải chỉ là sự dịch chuyển cơ học mà đánh dấu sự thay đổi về nhận thức.

Các chương về Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án nhân dân đều quy định có trách nhiệm bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Toàn bộ trật tự Hiến pháp tiếp cận căn bản kỹ thuật lập hiến của các nước tiên tiến trên thế giới...

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, để Hiến pháp mới sớm đi vào cuộc sống thì việc sớm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với các quy định về quyền con người, quyền công dân.

Trước mắt, các bộ, ngành cần khẩn trương tiến hành rà soát hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân; trên cơ sở rà soát, xây dựng chương trình xây dựng pháp luật nhằm bảo đảm thực thi Hiến pháp sửa đổi. Bên cạnh đó, một vấn đề hết sức quan trọng là bảo đảm nâng cao khả năng tiếp cận của người dân.

Vấn đề này đặt ra trách nhiệm đối với các cơ quan Nhà nước, từ việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung mới của Hiến pháp sửa đổi liên quan đến các quy định mới về quyền con người, quyền công dân đến việc hoàn thiện pháp luật và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy để đảm bảo thực thi.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng cho biết trong thời gian tới, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật chuyên đề về quyền con người, quyền công dân.

Việc ra đời hệ cơ sở dữ liệu này cũng sẽ là một trong những công việc nhằm nâng cao khả năng tiếp cận quyền của người dân, bảo đảm người dân được tạo điều kiện thuận lợi nhằm thụ hưởng những quyền, lợi ích chính đáng của mình đã được Hiến pháp và pháp luật quy định.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục