Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Cần sửa chính sách để thu hút lao động hơn

Mặc dù chế độ hưu trí và tử tuất trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện về cơ bản là khá tương đồng nhưng vẫn có một số khác biệt khiến người lao động còn đắn đo khi tham gia.
Tư vấn cho người lao động về bảo hiểm xã hội tự nguyện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tư vấn cho người lao động về bảo hiểm xã hội tự nguyện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tính đến cuối năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt khoảng hơn 1 triệu người, đây là con số rất khiêm tốn so với 35 triệu lao động phi chính thức hiện đang là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định pháp luật. Điều này cho thấy cần phải có những sự điều chỉnh để chính sách này hấp dẫn và phù hợp với với lao động phi chính thức.

Đây là thông tin được chia sẻ tại tọa đàm “Bảo hiểm xã hội tự nguyện và cơ hội tiếp cận của lao động phi chính thức” do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Mạng lưới Hành động vì người lao đông di cư (M.net) tổ chức ngày 21/12.

Rào cản chính sách khiến lao động đắn đo tham gia bảo hiểm xã hội

Thời gian qua, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Mạng lưới Hành động Vì người lao đông di cư (M.net) đã thực hiện nghiên cứu “Tổng quan và phân tích chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam.” Nghiên cứu cho thấy so với các tiêu chuẩn và kinh nghiệm quốc tế, hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tương đối đầy đủ và đáp ứng xu thế chung.

Đại diện nhóm nghiên cứu, phó giáo sư, tiến sỹ Giang Thanh Long cho biết hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hướng tới mục tiêu chung là bao phủ an sinh xã hội toàn dân, hướng đến mục tiêu tương đồng với các tiêu chuẩn quốc tế về mở rộng độ bao phủ theo chiều rộng đồng thời gia tăng phúc lợi,  cung cấ đầy đủ chế độ hưởng cho người tham gia.

Mặc dù có những tiến bộ về mặt chính sách nhưng về độ bao phủ thì đa phần người lao động phổ thông chưa nằm trong hệ thống an sinh xã hội dù họ cũng đang tham gia lực lượng lao động.

Nghiên cứu dẫn chứng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của các chủ cơ sở đã có đăng ký kinh doanh chỉ vào khoảng khoảng 3-17%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng phụ thuộc lớn vào hình thức hợp đồng lao động. Lao động làm việc theo hợp đồng ngắn hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm hoặc dưới 3 tháng thường không được thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.

Trong khi việc tuân thủ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa được như mong đợi, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của lao động phi chính thức là chủ cơ sở, lao động tự làm và lao động gia đình rất thấp ngay cả khi họ thu nhập của họ cao hơn chuẩn nghèo.

[BHXH cần triển khai kịp thời hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch]

Theo các chuyên gia, một số rào cản về chính sách khiến người lao động đắn đo khi tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Mặc dù chế độ hưu trí và tử tuất trong chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện về cơ bản là khá tương đồng nhưng vẫn có một số khác biệt như chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội tự nguyện không có nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động; chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội tự nguyện không có chế độ tuất hàng tháng mà chỉ có tuất một lần.

Thêm vào đó, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ít hơn bảo hiểm xã hội chính thức, không có các chế độ ngắn hạn khác như chế  độ thai sản, ốm đau bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Sửa đổi gói bảo hiểm ngắn hạn, linh hoạt

Bác sỹ Nguyễn Thu Giang, Viện trưởng Viện LIGHT nhấn mạnh: “Bảo hiểm xã hội là một trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội Việt nam. Với tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất ít trong khi nhóm lao động khu vực phi chính thức lại chiếm tỷ trong lớn trong cơ cấu việc làm, chúng ta cần phải xem xét chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện một cách toàn diện hơn.”

Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Cần sửa chính sách để thu hút lao động hơn ảnh 1Các nội dung truyền thông bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng tới nhóm đối tượng đích gồm người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo bà Nguyễn Thu Giang, chính sách cần được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là các nhóm lao động tự do, việc thực thi chính sách cần tạo điều kiện và hiệu quả hơn, truyền thông cần dễ hiểu và đúng đối tượng hơn. Các chính sách an sinh xã hội được xây dựng và đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính là diện bao phủ, tính đầy đủ và tính bền vững.

Để tăng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội, các chuyên gia cho rằng cần mở rộng chế độ hưởng thông qua việc triển khai các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn, linh hoạt (như ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình) cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Ông Giang Thanh Long đề xuất cần tăng cường hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ lao động di cư giúp họ tiếp cận được bảo hiểm xã hội tự nguyện. Các chính sách tuyên truyền cần có định hướng, tập trung theo từng nhóm lao động phi chính thức theo đặc trưng về độ tuổi, trình độ học vấn, khu vực sống, lao động di cư, điều kiện gia đình, thu nhập…

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần phát triển một hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, hiện đại và tích hợp theo các nguyên tắc phổ quát, bình đẳng, công bằng, chia sẻ, bền vững cho tất cả người lao động."

"Các định hướng chính sách bảo hiểm xã hội cần từng bước bổ sung thêm các chế độ bảo vệ trong bảo hiểm xã hội tự nguyện để thu hẹp khoảng cách về chế độ giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong quá trình sửa đổi bổ sung chính sách, tiếng nói của người lao động cần được các nhà hoạch định chính sách tôn trong, cân nhắc và áp dụng một cách phù hợp," ông Phạm Quang Tú nói.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết một trong số những nội dung sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng chính là việc sửa đổi chính sách để tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua việc tắc mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và nghiên cứu việc bổ sung các chế độ thai sản, tai nạn lao động… Dự kiến, dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được trình Quốc hội vào năm 2023./.

Nghị quyết số 28-NQ/TW “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” đã đề các chỉ tiêu: Dến năm 2025, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục